Người “khơi nguồn” chính sách BHYT ở Việt Nam
10/04/2020 10:52 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
“Người nhà tôi bị bệnh hiểm nghèo, phải chữa trị lâu dài, tốn kém lắm, mỗi năm hàng tỷ đồng. Cũng may có BHYT, không thì tiền của đâu mà chữa bệnh cho đủ…” Những câu nói, câu chuyện tương tự như trên dần trở nên khá quen thuộc trong những năm gần đây, có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều nơi, trên mặt báo chí hay đâu đó trong những gia đình từ làng quê cho đến thành thị. Với Bác sĩ Trần Khắc Lộng, mỗi lần được nghe những câu chuyện như vậy, trong ông chợt dâng lên nhiều cảm xúc. Vậy là những nỗ lực mà ông cùng các đồng nghiệp dày công cố gắng, vượt bao trở ngại ban đầu, đến nay, qua gần 30 năm đã và đang cho trái ngọt từng ngày…
Từ một lời nhắn nhủ…
Những năm đầu thập niên 70, đang là một giảng viên tại trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Trần Khắc Lộng nhận được quyết định của tổ chức Nhà trường điều động chuyển về Ban Khoa giáo Trung ương Đảng (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) nhận công tác. Thời điểm đó, các tổ chức tham mưu giúp việc của Đảng có nhu cầu về cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” để tham mưu xây dựng các đường lối chủ trương, chính sách của Đảng trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Là một đảng viên luôn nghiêm túc chấp hành sự phân công công tác của Đảng. Với bác sĩ Trần Khắc Lộng - một người trưởng thành từ một chiến sĩ thanh niên xung phong, càng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên" và “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền”. Bác sĩ Trần Khắc Lộng chỉ nói đơn giản như vậy về quyết định mang tính bước ngoặt của đời mình.
Đảng, thật nhiều bỡ ngỡ. Nhưng với tinh thần của người lính, bắt tay vào công việc là trách nhiệm hết mình, bác sĩ Trần Khắc Lộng không có nhiều thời gian để suy nghĩ hay phân vân. Lao vào việc ngay, gần như ¾ thời gian là đi xuống địa phương, ghi nhận thực tiễn tại các cơ sở y tế, quan sát, lắng nghe… điều quan trọng nhất là mình phải nhìn nhận và tư duy bằng góc nhìn ở tầm vĩ mô, không còn đóng vai thuần túy là một người thầy thuốc chữa bệnh. Nhiệm vụ mới là phân tích tình hình, nhận định, đánh giá, tìm nguyên nhân và các giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại, xây dựng hệ thống chính sách phù hợp, phát huy mọi tiềm lực của xã hội đem lại lợi ích cho Nhân dân – bác sĩ Trần Khắc Lộng nói về những ngày đầu tiên của mình với nhiệm vụ mới.
Cũng từ ngày làm việc ở Ban Khoa giáo Trung ương, ông thường xuyên được tiếp xúc nhiều hơn với các vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước. Đến tận bây giờ, ông vẫn nhớ nhất là câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Các cậu làm thế nào thì làm, đừng để bệnh viện biến thành cái chợ, mà trong đó có nhân viên y tế thành con buôn…
Câu nói thật thấm thía cũng chính là động lực buộc cán bộ phải động não tìm phương án giải các bài toán đặt ra của tình hình cực kỳ khó khăn lúc bấy giờ.
Đến hành trình “khởi đầu nan…”
Câu nói cũng là lời nhắn nhủ hay nói đúng hơn là chỉ đạo giao nhiệm vụ của lãnh đạo cấp cao khiến người bác sĩ phải trăn trở suy tư. Thực trạng các cơ sở y tế hồi đó là như vậy: ngân sách nhà nước không còn nhiều nguồn lực để duy trì khám, chữa bệnh; đội ngũ cán bộ ngành y sau mấy chục năm làm việc trong cơ chế bao cấp đến khi chuyển sang cơ chế thị trường không khỏi trì trệ và xuất hiện không ít tiêu cực “khi nói khám, chữa bệnh không mất tiền có nghĩa là không có tiền thì không chữa được bệnh”. Tình hình y tế lúc bấy giờ thật bi đát và đau lòng, có người bệnh phải ra đi vì không thầy không thuốc. Cần một cơ chế mới, đáp ứng được với sự vận hành của nền kinh tế thị trường, vừa đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bài toán khó được đặt ra với đội ngũ cán bộ tham mưu, nhất là với Ban Khoa giáo Trung ương. Mày mò nghiên cứu các mô hình quản lý ở một số quốc gia khác nhau, cuối cùng ý tưởng về một giải pháp cũng được nhen nhóm từ cuộc vận động “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, đổi mới tư duy, xóa bỏ quan liêu bao cấp…; khai thác mọi nguồn lực để khắc phục tình hình “có thầy không thuốc, có thuốc không thầy”. Thật may mắn, “ý tưởng lớn” gặp nhau đúng lúc đúng chỗ, Bộ trưởng Bộ Y tế thời điểm đó là đồng chí Phạm Song cũng có những trăn trở tương tự và đi đến ý định táo bạo: triển khai thực hiện chính sách BHYT. Nhưng từ ý tưởng cho đến thực hiện thực tiễn, quả thật không dễ dàng nếu không muốn nói là vô vàn chông gai. BHYT còn quá mới mẻ, cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn ở nước ta. May mắn được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số địa phương ủng hộ thực hiện thí điểm và có được những kinh nghiệm thực tiễn ban đầu, nhưng thuyết phục, thay đổi tư duy để cho ra đời một chủ trương mới, từ không đến có là vô cùng khó khăn.
Không biết qua bao nhiêu những cuộc họp bàn luận, cùng lãnh đạo Bộ Y tế thuyết trình về BHYT. Ý kiến trái chiều, cả những phản bác nhiều lúc có thể gọi là gay gắt, thay đổi tư duy về mặt cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện một chính sách mới quả thực có nhiều khó khăn, người đồng tình thì ít, người phản đối thì nhiều, BHYT ra đời ví như “tay không bắt giặc” - bác sĩ Trần Khắc Lộng nhớ lại. Nhưng rồi, “bánh xe đổi mới” trong lĩnh vực y tế cũng dần nhúc nhích, chuyển động cùng với công cuộc đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước từ Đại hội VI năm 1986. Đặc biệt, đến Hiến pháp năm 1992, BHYT đã được hiến định tại Điều 39 "Thực hiện BHYT tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe". Những tưởng mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn, nhưng đúng là “vạn sự khởi đầu nan”. Trước thực tế, nhiều ý kiến băn khoăn, thay vì việc thông qua Pháp lệnh, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định BHYT để vừa thực hiện vừa tiếp tục rút kinh nghiệm./.
Lê Công - theo tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ ...
Bản tin Audio số 46 - Tuần 2 tháng 1/2025
Bản tin Audio số 45 - Tuần 1 tháng 1/2025
Thông tin về những vấn đề nổi bậc liên quan đến ...