Toàn ngành BHXH Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực, đảm bảo quyền lợi người tham gia
23/10/2023 02:36 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
9 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động, cắt giảm lao động. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, BHTN giúp nhiều người dân, người lao động ổn định cuộc sống.
Là cơ quan thuộc Chính phủ, được giao thực hiện các chính an sinh xã hội quan trọng nêu trên, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh trao đổi với người lao động về thụ hưởng chế độ chính sách BHXH, BHYT
Mở rộng mạng lưới bao phủ
Xác định công tác thu, phát triển người tham gia là yếu tố quan trọng để hệ thống BHXH, BHYT, BHTN ngày càng bền vững, phát huy hiệu quả tốt nhất, BHXH Việt Nam có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt.
BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá tình hình biến động tăng, giảm lao động để xây dựng các giải pháp chỉ đạo, điều hành; Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp xã. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ cấp tỉnh đến cấp xã, đặc biệt là thành viên Ban Chỉ đạo có cán bộ, công chức văn hóa - xã hội. Đề xuất ngân sách địa phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm mức đóng cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Phân công cán bộ bám sát, đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp nộp đủ số tiền phát sinh trong tháng và số tiền chậm đóng tháng trước. Triển khai, tổ chức linh hoạt hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành (TTCN) đóng đối với doanh nghiệp chưa tham gia, tham gia không đầy đủ. Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm; kịp thời lập hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với doanh nghiệp cố tình vi phạm; kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa phương…
Những giải pháp đó đã mang lại kết quả tích cực, chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT luôn hoàn thành chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao, năm sau cao hơn năm trước: năm 2021 tỷ lệ bao phủ BHYT là 91,01% (vượt 0,01%); năm 2022 là 92,04% (vượt 0,04%); năm 2023 ước 93,22% (vượt 0,02%) và dự kiến năm 2024, 2025 tiếp tục đảm bảo lộ trình đề ra.
Số người tham gia BHXH đến hết tháng 9/2023 khoảng trên 17,5 triệu người tăng 8 ngàn người so với năm 2022. Trong đó: BHXH bắt buộc khoảng 16 triệu người; BHXH tự nguyện gần 1,5 triệu người (tăng khoảng 37 ngàn người (2,53%) so với năm 2022). Dự kiến cả năm 2023 có trên 18,7 triệu người tham gia BHXH, đạt 40,31% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Độ bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng, bền vững
Quyết liệt giảm số tiền chậm đóng
Tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Ban cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 317-NQ/BCSĐ về việc tăng cường các giải pháp thực hiện công tác thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời có văn bản gửi Ban Thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn phát sinh nợ tiền đóng BHXH, BHYT; các doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động (NLĐ) từ dữ liệu của cơ quan Thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước về lao động để khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ BHXH, BHYT.
BHXH Việt Nam thường xuyên nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị sử dụng lao động để có giải pháp phù hợp với mỗi đơn vị, trong đó chú trọng theo dõi, xây dựng cơ sở dữ liệu những đơn vị có nhiều lao động, số tiền thu lớn nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng kéo dài, hoặc chậm đóng với số tiền lớn. Tăng cường thực hiện kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất, phát hiện kịp thời tình trạng trốn đóng, cương quyết xử phạt hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Chuyển hồ sơ những đơn vị không thực hiện Quyết định, Kết luận thanh tra đến cơ quan Công an, kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Công khai danh sách các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương…
Kết quả, trong những năm gần đây, tỷ lệ nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN luôn ở mức thấp và giảm đều qua các năm; cụ thể: Năm 2021, tỷ lệ nợ là 3,1%; năm 2022 là 2,91%; năm 2023 dự kiến là 2,69%.
Quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT được đảm bảo đầy đủ, kịp thời
Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ
9 tháng đầu năm 2023, toàn Ngành đã giải quyết hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng cho 65.358 người, giảm 3,08% so với cùng kỳ năm trước (trong đó có 49.987 người hưởng lương hưu, giảm 0,25% so với cùng kỳ năm trước); các chế độ BHXH một lần cho 999.060 người hưởng, tăng 21,09% so với cùng kỳ năm trước (trong đó có 856.708 người hưởng BHXH một lần, tăng 29,62% so với cùng kỳ năm trước); giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho 6.498.881 lượt người (giảm 24,10% so với cùng kỳ năm trước).
Về giải quyết các chế độ BHTN: Đã tiếp nhận 784.071 người có quyết định hưởng mới được lập danh sách chi trả trong tháng (tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022). Số người có quyết định hưởng mới hỗ trợ học nghề tiếp nhận để chi trả là 14.306 người (giảm 7,28% so với cùng kỳ 2022).
Trong 9 tháng đầu năm 2023, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chi trả đầy đủ, kịp thời cho khoảng hơn 3,3 triệu người hưởng hàng tháng, hơn 1,1 triệu người hưởng các chế độ BHXH một lần và hơn 4 triệu lượt người hưởng BHTN.
Thực hiện Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29/6/2023 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng, tại kỳ chi trả tháng 8/2023, cơ quan BHXH đã tổ chức chi trả đầy đủ lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 8/2023 và số tiền truy lĩnh tháng 7/2023 theo quy định; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến về quyền lợi theo mức hưởng mới để tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân.
Đẩy mạnh chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp (TCTN) qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đến hết tháng 9/2023 có khoảng 62% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, TCTN qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, trong đó: Lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng ước khoảng 43%; chế độ BHXH một lần ước khoảng 92%; TCTN ước khoảng 98%.
Về chế độ BHYT, trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn quốc đã có hơn 127 triệu lượt KCB BHYT (tăng gần 20% so với cùng kỳ), tương ứng số chi KCB BHYT là khoảng 90 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 13.652 tỷ đồng tương ứng 15,6% so với cùng kỳ). Toàn Ngành cũng đã thực hiện các giải pháp, biện pháp kiểm soát chi phí KCB BHYT, nhất là thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT.
Tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số toàn diện
Cùng với cả hệ thống chính trị, toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, mang lại những thay đổi đột phá, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số theo đúng định hướng về Chính phủ số của Đảng và Nhà nước ta.
BHXH Việt Nam đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Hiện nay, ngành BHXH đang quản lý hơn 91,74 triệu người tham gia, trong đó đã xác thực và đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư đạt tỷ lệ 94%. Tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội … để triển khai hai nhóm thủ tục hành chính liên thông (Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng); dịch vụ công (DVC) trực tuyến “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”… tạo nhiều thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục về BHXH, BHYT, BHTN.
Triển khai sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) phục vụ người dân đi KCB BHYT đạt gần 100% cơ sở KCB bằng thẻ CCCD; ứng dụng công nghệ sinh trắc tại cơ sở KCB và cơ quan BHXH các cấp; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ cơ sở KCB, Sổ Sức khỏe điện tử; đồng bộ, chia sẻ thông tin giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo theo dõi, đánh giá tình hình việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Tính đến nay, toàn bộ các cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, với gần 50 triệu lượt tra cứu thông tin BHYT qua CCCD phục vụ làm thủ tục KCB BHYT, đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh và cơ sở KCB BHYT.
Hoàn thành cung cấp DVC trực tuyến theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ lên Cổng DVC quốc gia, gồm các DVC: “Đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện”; “Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT”; “Giải quyết hưởng BHXH một lần” (thuộc nhóm áp dụng thí điểm xác thực chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động để phục vụ cung cấp DVC trực tuyến) nhằm đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, DN khi giao dịch với cơ quan BHXH.
Tiếp tục nâng cấp, triển khai hiệu quả ứng dụng VssID - BHXH số; đồng thời triển khai kết nối, tích hợp tài khoản định danh điện tử (tài khoản VNeID) trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam, hướng tới cho phép hơn 50 triệu người dân đang có tài khoản VNeID có thể truy cập, sử dụng ứng dụng VssID.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng (ATTT) như ban hành quy định, quy chế về công tác ATTT; triển khai đầy đủ các giải pháp kỹ thuật, phương án bảo đảm ATTT theo cấp độ; tổ chức diễn tập và hội nghị ATTT hằng năm; thực hiện kiểm tra, đánh giá và giám sát các hệ thống thông tin của Ngành; thành lập Đội Ứng cứu sự cố ATTT mạng ngành BHXH Việt Nam... để chủ động ứng phó từ sớm, xử lý, ngăn chặn kịp thời các cuộc tấn công mạng.
Những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 đã mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của Ngành, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, giúp giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH; các Bộ, Ngành, địa phương cũng được hưởng lợi từ việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về bảo hiểm; nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử. BHXH Việt Nam duy trì thuộc nhóm 05 bộ, ngành dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số quốc gia. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân./.
PV-BHXH VN
Ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ ...
Bản tin Audio số 46 - Tuần 2 tháng 1/2025
Bản tin Audio số 45 - Tuần 1 tháng 1/2025
Thông tin về những vấn đề nổi bậc liên quan đến ...