Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Tăng quyền lợi cho người lao động
22/11/2023 04:21 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được triển khai lấy ý kiến nhân dân, trong đó có nhiều quy định gia tăng lợi ích cho người lao động, đồng thời đảm bảo mở rộng mạng lưới an sinh.
Nhiều điểm mới
Những năm qua, chính sách BHXH đã từng bước phát huy vai trò là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Do đó, luật cần được sửa đổi để phù hợp với thực tế, cũng như nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung 5 nhóm chính sách, được chi tiết hóa thành 18 nội dung lớn với nhiều điểm mới quan trọng. Trong đó, đề xuất điều chỉnh giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động. Bởi trên thực tế, đối với rất nhiều lao động ở ngành nghề đặc thù, tuổi nghề chỉ kéo dài đến ngoài 40 tuổi là khó có thể đáp ứng yêu cầu làm việc.
Chị Lê Thị Ánh Tiên, ở xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) chia sẻ, tôi làm việc tại một công ty may mặc ở KCN VSIP Quảng Ngãi được 5 năm và hưởng chế độ BHXH. Với nghề may mặc, ngoài 40 tuổi sẽ bắt đầu gặp khó khăn trong các thao tác như nhìn đường may, cắt chỉ... Vì vậy, tôi thấy việc giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm là hợp lý, giúp người lao động yên tâm làm việc và khi độ tuổi không còn phù hợp có thể nghỉ và chờ được hưởng chế độ nghỉ hưu.
Trong 2 năm (2020 - 2021), do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới đời sống của người lao động. Nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Hàng làm ra không xuất bán được buộc phải cho người lao động ngừng việc, nghỉ luân phiên, thậm chí không ít người lao động bị mất việc, lâm vào tình cảnh khó khăn. Để trang trải cuộc sống, hoặc chuyển hướng làm kinh tế khác, nhiều người đã rút BHXH một lần, tập trung nhiều ở nhóm lao động trẻ, từ trên 23 tuổi đến khoảng 40 tuổi.
Theo BHXH tỉnh, việc nhiều người lao động rút BHXH một lần đặt ra thách thức lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động cả trước mắt lẫn lâu dài. Vì vậy, việc sửa đổi chính sách về BHXH một lần được đặt ra theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là hướng đến việc linh hoạt, thông thoáng hơn về điều kiện hưởng lương hưu, nhưng chặt chẽ hơn đối với các quy định về rút BHXH một lần.
Bổ sung chế độ thai sản, ốm đau
Một trong những nội dung trong dự thảo được nhiều người quan tâm, nhất là những người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, đó là quy định người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Theo đó, Dự thảo Luật BHXH quy định, người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản, nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo. Dự thảo Luật BHXH lần này cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc.
Với nhiều điểm mới quan trọng, cần thiết, Dự thảo Luật- BHXH (sửa đổi) nhận được sự quan tâm, đồng thuận của người dân, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Điều này, khẳng định quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật BHXH là để mở rộng và gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn nhằm thu hút người lao động tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Bài, ảnh: HỒNG HOA-(baoquangngai.vn)
Ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ ...
Bản tin Audio số 46 - Tuần 2 tháng 1/2025
Bản tin Audio số 45 - Tuần 1 tháng 1/2025
Thông tin về những vấn đề nổi bậc liên quan đến ...