Lương hưu - Điểm tựa bình yên khi về già

21/07/2025 09:22 AM


Chế độ hưu trí là cốt lõi của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), tham gia BHXH tự nguyện để khi về già có lương hưu, được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí khi nhận lương hưu, bảo đảm cuộc sống ổn định, không phụ thuộc vào gia đình hay xã hội... là ý nghĩa thiết thực mà chính sách đã và đang hướng tới.

Người dân trên địa bàn Đăk Hà vui mừng khi được nhận Quyết định hưởng chế độ hưu trí

Trước đây, nhiều người có suy nghĩ chỉ khi nào đi làm tại cơ quan nhà nước hoặc ở các doanh nghiệp thì khi về già mới có lương hưu, chứ không biết rằng mỗi người dân, lao động tự do cũng có thể nhận lương hưu khi hết tuổi lao động nếu tham gia BHXH tự nguyện. Có lương hưu đồng nghĩa với việc người dân sẽ có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng, bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, tự chủ hơn trong cuộc sống của mình.

Là công nhân tại công ty cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà (cũ) đã nghỉ hưu được hơn 6 năm, vợ chồng ông Đoàn Văn Chương (Thôn Bình Minh, Xã Đăk Hà, tỉnh Quảng Ngãi) hiện đang hưởng lương hưu với số tiền gần 11 triệu đồng/tháng. Trong đó, lương hưu của ông Chương gần 6 triệu đồng, còn vợ ông được gần 5 triệu đồng. Từ khi nghỉ hưu đến nay, hằng ngày hai ông bà không phải lo đến chuyện cơm áo gạo tiền nữa mà tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe, vui sống cùng con cháu. Cuộc sống ổn định, con cái lớn khôn, đặc biệt sức khỏe còn tốt và kinh tế dư dả nên năm nào vợ chồng ông cũng đưa nhau về thăm họ hàng ở quê hương.

 

Ông Chương an nhàn những ngày tháng nghỉ hưu tại nhà

Ông Chương chia sẻ: “Sau những năm tháng bận rộn trong công việc, từ khi nghỉ hưu, một ngày của vợ chồng tôi bắt đầu bằng việc dậy sớm tập thể dục, ăn sáng rồi chăm chút mấy cây cảnh trong sân và vườn cây ăn trái sau nhà. Sau đó cơm nước cho các con cháu và đưa đón các cháu đi học về mà không phải lo nghĩ đến kinh tế, chi tiêu bởi với lương hưu hằng tháng chúng tôi chẳng dùng hết, thậm chí còn có thể phụ giúp thêm cho con cháu khi cần, ông cũng chia sẽ thêm về những gia đình hàng xóm xung quanh bằng tuổi như ông, có những gia đình cả vợ và chồng đều không có lương hưu, cuộc sống vất vả, nhiều lúc trong xóm có việc ma chay, đám điếu phải đi vay mượn lo cho xong việc rồi sau đó lại đi làm thuê để trả nợ, rất chi là cực….”.

Để ngày càng có thêm nhiều người dân được tham gia và thụ hưởng chính sách hưu trí, bên cạnh sự nỗ lực của ngành BHXH, còn có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị giúp người dân yên tâm đăng ký tham gia. Trong đó, nhằm bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu, từ năm 1995 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã 24 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu năm 1995. Theo thông lệ quốc tế, lương hưu được so sánh với thu nhập bình quân đầu người. Tại Việt Nam, mức lương hưu bình quân của người hưởng hiện nay (thống kê đến thời điểm tháng 12/2024) là 6,2 triệu đồng/tháng.

Có thể thấy, sau nhiều năm lao động vất vả, khi tuổi già có lương hưu là điểm tựa vững chắc không chỉ cho bản thân người lao động mà giảm cả gánh nặng cho gia đình, con cháu và xã hội./.

Thanh Nga Cầm