Giữ mạch an sinh không để người dân đợi: Ngành BHXH Quảng Ngãi chủ động trong guồng chuyển động chính quyền hai cấp

22/07/2025 11:07 AM


Trong dòng chảy đổi mới thể chế, khi chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào vận hành và các chính sách BHXH, BHYT theo Luật mới bắt đầu hiện thực hóa, người dân mong chờ điều gì? Sự thay đổi này đặt ra nhiều thách thức đối với ngành BHXH trong bối cảnh vùa thích ứng với mô hình hoạt động mới, vừa thể hiện vai trò giữ nhịp an sinh để phục vụ người dân một cách tốt nhất.

Ảnh: Người dân giao dịch BHXH, BHYT tại trung tâm phục vụ hành chính công xã Đak Hà, tỉnh Quảng Ngãi

Từ ngày 01/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi số 51/2024/QH15 có hiệu lực, kèm theo nhiều chính sách mới, mở rộng quyền lợi, tăng mức hỗ trợ cho người dân. Đồng thời, hệ thống chính quyền địa phương tại tỉnh Quảng Ngãi được tổ chức lại theo mô hình chính quyền hai cấp, sau sáp nhập đơn vị hành chính. Trong guồng chuyển động lớn ấy, hệ thống BHXH tỉnh Quảng Ngãi không đứng ngoài, mà chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa để giữ vững “mạch an sinh” trên địa bàn.

Ngay sau khi Luật mới được Quốc hội thông qua, BHXH tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum cũ đã tổ chức tập huấn nội bộ, cập nhật nghiệp vụ cho toàn thể cán bộ, viên chức. Công tác tuyên truyền chính sách mới cũng được đẩy mạnh xuống tận cấp xã, phường, tổ dân phố trước sáp nhập. Không đợi người dân hỏi rồi mới trả lời, ngành BHXH đã chủ động mang thông tin đến từng cụm dân cư, từng tổ dân phố.

Nếu như trước sáp nhập, Quảng Ngãi và Kon Tum xũ có 272 xã, phường, thị trấn thì đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 96 đơn vị hành chính cấp xã (86 xã, 9 phường và 1 đặc khu). Điều này kéo theo sự thay đổi lớn trong hệ thống cộng tác viên, dịch vụ thu, truyền thông viên cơ sở. Nhưng ngành BHXH tỉnh không để trống địa bàn. Các mô hình tổ tuyên truyền lưu động, tổ dịch vụ thu "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng vận động) tiếp tục bám sát thực địa, duy trì kết nối với người dân để đưa chính sách đến với họ.

Bà Trần Thị Hoa, người dân tham gia BHYT hộ gia đình xã An Phú cho biết: “Trước đây giấy tờ cứ nghĩ phải làm lại vì đổi tên xã sau sáp nhập, đổi mã vùng, phải thay đổi lại địa chỉ trên thẻ khám chữa bệnh nhưng cán bộ BHXH đã đến tận nhà giải thích, hướng dẫn cụ thể, quyền lợi khám chữa bệnh của tôi vẫn đảm bảo, không phải lo gì cả.”

Ảnh: Cán bộ BHXH phối hợp với nhân viên tổ chức dịch vụ thu Công ty AnFa tư vấn, giải thích chính sách BHYT hộ gia đình cho người dân xã An Phú, tỉnh Quảng Ngãi.

Đặc biệt, để đảm bảo phục vụ người dân trong giai đoạn chuyển tiếp, BHXH tỉnh đã tăng cường nhân lực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, chỉ đạo BHXH cơ sở phối hợp cùng Bưu điện bố trí lực lượng thường trực tại các xã, phường mới để tiếp nhận, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục BHXH, BHYT. Đồng thời, ngành BHXH chủ động phối hợp với chính quyền địa phương cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu dân cư, thông tin người tham gia, tránh bỏ sót quyền lợi.

Không chỉ thực hiện chính sách, ngành BHXH đang dần trở thành người bạn đồng hành tin cậy của người dân  khi họ về già, khi đau ốm, khi không còn khả năng lao động. Giữ mạch an sinh giữa thời điểm chuyển đổi, thích ứng nhanh và phục vụ tận tâm đó là cách ngành BHXH tỉnh Quảng Ngãi khẳng định vai trò là điểm tựa an sinh cho mọi người dân trong guồng máy chính quyền hai cấp.

Lê Thành Vĩnh