Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững

17/03/2021 08:41 AM


Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm thực hiện công tác giảm nghèo, giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước vươn lên cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà cho nhân dân bị thiệt hại do cơn bão số 9

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính Phủ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm  nghèo bền vững, từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta đã ban hành 49 văn bản chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện Chương trình. UBND tỉnh ban hành kế hoạch, giao chỉ tiêu giảm nghèo đến các huyện, thị, thành phố thực hiện. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về giảm nghèo để nâng cao, thay đổi nhận thức của người nghèo tự vươn lên thoát nghèo.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương chú trọng hỗ trợ giảm nghèo đối với các huyện nghèo, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn gắn với việc xây dựng nông thôn mới.  Chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả 4 chính sách giảm nghèo đặc thù riêng của tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững như: Y tế, giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý, tín dụng ưu đãi…

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến năm 2020 là 2.257.100,4 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 1.868.456,7 triệu đồng; ngân sách địa phương: 335.911,9 triệu đồng; vốn huy động khác là 52.731,9 triệu đồng. Từ nguồn vốn giảm nghèo, toàn tỉnh đã đầu tư 539 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đã góp phần thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo của nông thôn, miền núi của tỉnh.

Việc thực hiện có hiệu quả hoạt động phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giúp thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng từ 7,2 triệu đồng/người/năm năm 2015 lên 9,36 triệu đồng/người/năm năm 2020, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 13,6%, xuống còn 6,07%. Trong đó, khu vực miền núi giảm từ 41,93% xuống còn 20,52%, huyện Sơn Hà được công nhận thoát nghèo; khu vực đồng bằng bình quân hằng năm giảm 1,1% và đến cuối năm 2020 còn 3,02% hộ nghèo.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chưa thật sự bền vững, người dân ở khu vực miền núi, hải đảo, vùng bãi ngang ven biển tuy đã thoát nghèo nhưng đời sống bấp bênh, dễ tái nghèo trở lại. Việc hỗ trợ cho hoạt động phát triển sản suất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thực hiện chậm trễ, gây không ít khó khăn cho công tác giảm nghèo. Nhân dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại không muốn thoát nghèo để được hưởng các chính sách đặc thù về y tế, giáo dục, tiền điện, dạy nghề…

Thời gian tới, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm 1-1,5% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, cần tập trung bố trí ngân sách để thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh hoạt động phát triển sản suất hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững đã có hiệu quả, khuyến khích hộ nghèo tạo ra sản phẩm có giá trị để tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuyên truyền, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân, ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho họ làm việc tại các doanh nghiệp, tham gia xuất khẩu lao động. Ưu tiên nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, thực hiện tốt công tác hỗ trợ y tế, hỗ trợ hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế./.

Văn Quyết-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy