Cơ hội và thách thức của hệ thống ASXH khu vực ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động

20/09/2018 07:58 PM


Ngay sau phiên khai mạc Hội nghị ASSA 35 (sáng 18/9), các đại biểu đã cùng tham dự Hội thảo quốc tế với chủ đề “Cơ hội và thách thức của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) khu vực ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động".

Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, tạo hạ tầng và nguồn nhân lực số

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) hay cuộc cách mạng số diễn ra từ những năm 2.000, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, tương tác thực tế ảo, mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn,… để chuyển hoá toàn bộ thế giới thực thành thế giới số; và tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Với sự xuất hiện của người máy có trí tuệ nhân tạo có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người càng già càng yếu đi hứa hẹn mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Đặc biệt, người máy với ưu điểm làm việc 24/24 giờ, không cần trả lương, đóng thuế, cũng như tham gia BHXH,… đang đe doạ đến sự lựa chọn trong việc sử dụng lao động là người thật hay người máy của bất kỳ nền kinh tế nào.

Trong cuộc CMCN 4.0, những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang có ưu thế về lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe doạ nghiêm trọng. Trong tương lai, NLĐ có thể mất việc làm, bởi những lĩnh vực mà công nghệ người máy có thể tác động tới sẽ trải dài từ các ngành dệt may, dịch vụ, giải trí cho đến y tế, giao thông, giáo dục….

Với 08 bài thuyết trình và phiên thảo luận chuyên đề của các chuyên gia, diễn giả có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực ASXH đến từ Hiệp hội ASXH quốc tế (ISSA), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB), Đại học Waikato (New Zealand), Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn quốc, BHXH Việt Nam… đã đem tới cho các đại biểu các góc nhìn tổng quan về cơ hội, thách thức đối với hệ thống ASXH trước cuộc CMCN 4.0 và xu hướng tự do dịch chuyển lao động hiện nay.

Chia sẻ tại Hội thảo với chuyên đề “CMCN 4.0: Tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, hàm ý đối với sự phát triển ASXH”, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, CMCN 4.0 sẽ khiến cấu trúc và logic phát triển thay đổi căn bản. Nếu như trước đây, chỉ có kinh tế “thực”, hệ thống “vật lý”, thì hiện nay, kinh tế “ảo”, hệ thống “số” đã tham gia với tốc độ rất cao, làm đảo lộn vai trò của các yếu tố cấu trúc. Cơ chế vận hành kinh tế - đời sống cũng thay đổi với sự kết nối toàn cầu, tốc độ cao, thông minh, tự quản. Mà trong đó điển hình là sự thay đổi về việc làm - thu nhập khi nhiều ngành nghề cũ mất đi, kéo theo việc làm - thu nhập của NLĐ cũng mất đi. Theo đó, nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện, tạo các cơ hội việc làm - thu nhập mới nhưng kèm theo đó sẽ đòi hỏi những yêu cầu về năng lực mới với kỹ thuật và khả năng thích ứng cao hơn; là nguyên nhân dẫn tới tình trạng phân hoá xã hội, bất bình đẳng kinh tế, rủi ro trong hệ thống ASXH tăng cao.

Theo dự báo, trong hai thập niên tới, 56% lao động tại 05 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc làm. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, sẽ có 86% lao động trong lĩnh vực dệt may và da giày đứng trước nguy cơ mất việc vì tự động hoá trong cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, ngoài những nguy cơ gây mất việc làm - thu nhập của NLĐ sẽ gây tổn hại trực tiếp tới hệ thống ASXH thì cuộc cách mạng này vẫn có những tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Đơn cử, với lợi thế dân số trẻ, năng động, là nước đi sau, chắc chắn sẽ thúc đẩy và tạo ra khát vọng, quyết tâm thoát khỏi tụt hậu cho Việt Nam trước cuộc CMCN 4.0.

Đưa ra những khuyến nghị trong việc làm sao để thích ứng với cuộc cách mạng này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, chúng ta cần phải xây dựng chiến lược chuyển đổi số, tạo hạ tầng số cũng như nguồn nhân lực số; đồng thời, tiếp tục giải quyết những vấn đề ASXH, kinh tế - xã hội và môi trường hiện đang tồn đọng;…

“Trong luồng xu thế tích cực mà CMCN 4.0 thổi vào, cũng sẽ là tiền đề, và tạo động lực để BHXH Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ năng lực quản lý, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Ngành”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.

Nhận định về cơ hội, thách thức mà CMCN 4.0 đem lại cho hệ thống ASXH trong bối cảnh hiện nay, Trưởng Văn phòng Tổng Thư ký ISSA Jens Scheremmer cho rằng, công nghệ số và nền kinh tế số sẽ tạo cơ hội thúc đẩy hệ thống ASXH trong việc mở rộng diện bao phủ, thu hẹp khoảng cách về độ bao phủ; tích hợp hệ thống dữ liệu di động, đăng ký di động và ứng dụng thanh toán ASXH, giảm chi phí giao dịch cho cơ quan BHXH và người tham gia;...

Cuộc đua giữa việc thay đổi hệ thống ASXH và những thay đổi của thị trường lao động

Nêu vấn đề CMCN 4.0 và sự thay đổi của thế giới việc làm, giúp nâng tầm ý nghĩa đối với các hệ thống ASXH trên thế giới, Chuyên gia trưởng toàn cầu về hưu trí và BHXH (WB) Robert Palacios cho rằng, sự thay đổi của thị trường lao động với ngành nghề mất đi, tồn tại, xuất hiện mới mà cuộc cách mạng này đem lại, sẽ đòi hỏi cấp thiết NLĐ phải tăng cường rất nhiều kỹ năng để đáp ứng được với những sự thay đổi này. Vậy bài toán đặt ra ở đây chính là việc đào tạo nguồn nhân lực và thiết kế lại chính sách ASXH, để tăng độ bao phủ, theo hướng tăng mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ, giữa Chính phủ với nền kinh tế phi chính thức. Đây được xem như một cuộc đua giữa việc thay đổi hệ thống ASXH và những thay đổi của thị trường lao động trong thời đại mới.

Ông Robert Palacios, Chuyên gia trưởng toàn cầu về hưu trí và BHXH của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra một số khuyến về già hóa dân số tác động đến đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách ASXH.

Bên cạnh đó, ông Robert Palacios cũng nhận định, thế giới đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số, nếu như các nước phương Tây mất 50 năm để chuyển đổi từ giai đoạn dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số, thì ở các nước Châu Á sự chuyển đổi này chỉ mất 20 năm. “Và với Việt Nam, tốc độ này có thể còn nhanh hơn, sẽ tác động lớn đến thị trường lao động và đối tượng trong hệ thống ASXH của các bạn”, ông Robert Palacios cảnh báo.

Khuyến nghị cho những vấn đề này, ông Robert Palacios nhấn mạnh, “bài toán” cần giải quyết sớm ở đây là các quốc gia phải nhanh chóng tăng tỷ lệ bao phủ BHXH bằng các phương thức quản lý hiện đại, hiệu quả hơn, như: Ứng dụng các công nghệ mới, chứng minh nhân dân kỹ thuật số có sinh trắc học; chi trả, đóng nộp qua mạng lưới Internet với sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ thông tin trong các phần mềm quản lý…. Quan trọng hơn, mỗi quốc gia cần xây dựng để tất cả người dân có một mã số ASXH duy nhất cho các chính sách, tạo sự thống nhất và thuận lợi trong việc quản lý, tiếp cận phát triển, cũng như hỗ trợ đối tượng.

Đại biểu đến từ Philippin đặt câu hỏi thảo luận tại Hội thảo.

Hệ thống giáo dục phải thay đổi để phù hợp với xu thế chung toàn cầu

Cung cấp thông tin về một trong những “bài toán” được cho là giải pháp ứng phó với những thách thức mà CMCN 4.0 đem lại, GS.Neil Quigley, Hiệu trưởng Đại học Waikato (New Zealand) đã chia sẻ với Hội thảo về những kinh nghiệm của New Zealand trong việc tiếp cận và giải quyết nhu cầu đào tạo trong thời đại cách mạng số. GS.Neil Quigley cho biết, theo dự báo, trong tương lai, sẽ có khoảng 40% những công việc hiện tại con người đang làm sẽ không còn, điều này đòi hỏi hệ thống giáo dục phải thay đổi để phù hợp với xu thế chung toàn cầu.

Tuy nhiên, theo GS.Neil Quigley, sự thay đổi của hệ thống giáo dục đang thấp hơn so với kỳ vọng. Đáng chú ý, bên cạnh lý do hạn chế từ các chính sách về giáo dục, thì vấn đề năng lực của giáo viên cũng đang là rào cản đối với sự đổi mới sáng tạo trong giáo dục. Việc thay đổi chương trình đào tạo là nhu cầu cấp thiết. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, mọi người học tập với phương thức còn thụ động, đòi hỏi hệ thống giáo dục phải tăng tính tương tác, đổi mới trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục, tiếp cận giảng dạy.

GS.Neil Quigley cũng cho biết, tại New Zealand, các trường học hoặc hệ thống giáo dục không triệu tập tất cả học sinh đến trường để thi vào một thời gian cố định. Thay vào đó, sẽ có quy trình thi cho học sinh THCS, thông qua việc xây dựng hệ thống module, chương trình đào tạo khác nhau. Theo đó, sinh viên có thể tham gia các kỳ thi, nếu họ cảm thấy đã sẵn sàng với kiến thức và năng lực của bản thân; đồng thời, việc kiểm tra các bài thi được áp dụng với các công nghệ chuẩn. Điều này không chỉ đem lại sự thoải mái và linh hoạt giữa các kỳ thi cho học sinh, sinh viên mà còn giảm bớt áp lực cho các giảng viên, cán bộ nhà trường.

“Trong thời đại CMCN 4.0, thách thức của giáo dục là phải làm sao để đảm bảo không cho phép những người khó khăn bị ngăn cản trong việc tiếp cận các hệ thống giáo dục, họ phải được trang bị kỹ năng, kiến thức để tránh tạo gánh nặng cho hệ thống ASXH. Đồng thời, cần phải tìm ra phương thức hỗ trợ tất cả mọi người được tiếp cận việc học tập một cách thuận lợi nhất”, GS.Neil Quigley nhấn mạnh.

Cần quy định khung cho các hiệp định song phương

Chia sẻ về những thách thức Việt Nam đang gặp phải trong quá trình phát triển đối tượng BHXH tự nguyện, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) Đinh Duy Hùng cho biết, tại Việt Nam, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Các chế độ được thụ hưởng từ chính sách này sẽ gồm: Hưu trí và tử tuất. Tính đến hết tháng 6/2018, Việt Nam có 231.000 người tham gia BHXH tự nguyện, với mức đóng bình quân trên 2,1 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện còn không ít thách thức đặt ra trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, trong điều kiện kinh tế còn hạn chế.

Ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 18 triệu lao động phi chính thức, phi nông nghiệp, trong đó chỉ có 23% có quan hệ lao động trên pháp lý và đáng tiếc trong số này mới chỉ có khoảng 0,2% tham gia BHXH. Thu nhập của nhóm đối tượng này trung bình là 3,9 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn nhiều so với thu nhập bình quân trung cả nước (6,7 triệu đồng/người/tháng). Do đó, vấn đề còn tồn tại ở đây là hiện còn khoảng 6 triệu người trong độ tuổi từ 45 đến 60 chưa tham gia BHXH, gây ảnh hưởng không chỉ tới hệ thống ASXH mà còn tác động cả tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bởi, những người này, nếu vẫn không tham gia BHXH, thì khi hết tuổi lao động sẽ không được hưởng lương hưu và cũng có trợ cấp xã hội để đảm bảo cuộc sống.

Trong lần cải cách chính sách BHXH sắp tới đây, Việt Nam sẽ có chính sách đảm bảo nhóm đối tượng này phải tham gia BHXH theo diện bắt buộc hoặc tự nguyện với những cải cách cụ thể như: Tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện qua việc mở rộng các chế độ thụ hưởng; tăng kinh phí hỗ trợ người tham gia từ nguồn ngân sách Nhà nước, liên thông với BHXH bắt buộc,...

Ông Đinh Duy Hùng cũng chia sẻ, trong xu thế dịch chuyển lao động, hiện Việt Nam có khoảng 500.000 người làm việc tại nước ngoài và sẽ tăng hàng trăm ngàn người hàng năm. Trong số này mới có khoảng 6.000 người tham gia BHXH. Để quản lý hiệu quả, và đảm bảo về BHXH với nhóm đối tượng này, cần xây dựng các chính sách hợp tác song phương, đa phương về tham gia BHXH cho lao động di cư ở các quốc gia, đi đôi với việc hiện đại hóa phương thức quản lý hoặc phối hợp quản lý lao động di cư.

Các diễn giả tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực an sinh xã hội với các đại biểu tại phiên thảo luận.

Song song đó, trong phiên thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu và các diễn giả đã tập trung thảo luận, trao đổi, chia sẻ về những thách thức, khó khăn trong việc tự do dịch chuyển lao động; tiến tới đàm phán thảo luận các hiệp định song phương giữa các nước trong khu vực;… Về nội dung này, sau phiên thảo luận, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, cần phải có một quy định khung cho các hiệp định song phương trên tinh thần đảm bảo công bằng cho mọi NLĐ theo Công ước quốc tế của ILO để các nước thành viên ASSA có cơ sở tham chiếu trong việc triển khai đàm phán ký kết các hiệp định song phương.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, qua các bài tham luận tại Hội thảo, chúng ta đã hình dung được phần nào xu thế phát triển của hệ thống ASXH thế giới và tự do dịch chuyển lao động dưới tác động của CMCN 4.0; cùng những yêu cầu đặt ra đối với hệ thống ASXH trong thời gian tới; nắm bắt được về nhu cầu của hệ thống đào tạo và đào tạo nghề nhằmthích ứng với đòi hỏi của thị trường lao động trong cuộc cách mạng số.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, với các thông tin được các diễn giả cung cấp và từ các ý kiến thảo luận của các vị đại biểu tại Hội thảo, sẽ tạo cơ sở cho Chính phủ các nước, cũng như các nhà hoạch định chính sách và toàn bộ hệ thống ASXH của các quốc gia trong khu vực tiếp tục hoàn thiện chính sách của mình nhằm đảm bảo cho NLĐ và các lao động di cư được hưởng đầy đủ các quyền lợi và chế độ. Kết quả của Hội thảo đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên ASSA nhằm đảm bảo lợi ích thiết thực của nhân dân, NLĐ theo tinh thần Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2025 hướng tới “Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”./. 

B.A.T - Ảnh: AK