Toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Lễ khai mạc Hội nghị ASSA 35

20/09/2018 08:26 PM


Sáng 18/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có bài phát biểu quan trọng tại Lễ khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 35 (Hội nghị ASSA 35). Hội nghị ASSA 35 được tổ chức tại Tp.Nha Trang (Khánh Hòa). Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Phó Thủ tướng tại Hội nghị này.

Thưa các quý vị đại biểu, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin chúc mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) và bày tỏ sự cảm ơn về những đóng góp của ASSA, sự hợp tác, hỗ trợ của Tổ chức An sinh xã hội quốc tế, cùng tất cả các tổ chức quốc tế khác góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thuộc khu vực ASEAN, thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước thành viên, xây dựng Cộng đồng ASEAN thịnh vượng. 

Tôi rất ấn tượng với chủ đề của Hội nghị ASSA 35 lần này. Bởi cách đây vài ngày, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp 4.0” vừa được tổ chức tại Việt Nam. Qua diễn đàn đó, các nhà lãnh đạo của ASEAN, các nhà kinh tế thế giới, cùng đông đảo các đại biểu tham dự đã dành nhiều thời gian trao đổi về những cơ hội và thách thức to lớn từ cách mạng công nghiệp 4.0. Từ nhiều góc nhìn khác nhau, đa số đều thống nhất rằng: Chúng ta đã, đang, sẽ và cần tiếp tục lạc quan trước cơ hội đem lại từ cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít thách thức, những vấn đề mới đặt ra. Tất cả các quốc gia phát triển cũng như đang phát triển đều có cơ hội để vươn lên, đặc biệt là để không bao giờ chúng ta xa rời mục tiêu lấy con người là trung tâm của sự phát triển. 

Chúng ta đều đã biết Liên Hiệp quốc đề ra chương trình nghị sự phát triển bền vững với 17 nhóm và 169 tiêu chí cụ thể; trong đó đều khẳng định con người phải là trung tâm với một thông điệp được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã đưa vào tất cả các chính sách phát triển, đó là: Không một ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Để thực hiện mục tiêu tưởng chừng như rất đơn giản ấy có rất nhiều việc phải làm, từ xây dựng chính sách, pháp luật cho đến việc vận động nhân dân thay đổi thói quen của mình. Ví dụ như ở Việt Nam, người dân có thói quen tiết kiệm, để dành nhưng là tự mình để riêng phòng ngừa rủi ro chứ ít có thói quen tham gia các hình thức bảo hiểm như BHXH, BHYT của Nhà nước.

Chúng ta cũng đều đã biết, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi thế giới, nhiệm vụ của tất cả chúng ta là phải làm sự thay đổi đó theo xu hướng tốt đẹp hơn, để máy móc, công nghệ là công cụ cho sự phát triển phục vụ con người; không để con người bị lệ thuộc vào máy móc. Có rất nhiều vấn đề đặt ra, nhưng dù là ở quốc gia đã đi trước, sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 ở trong khu vực như Malaysia, đặc biệt là Singapore hay là các quốc gia đisau như Việt Nam, Campuchia, Indonesia… thì chắc chắn có mấy việc sau đây cần phải làm: 

Thứ nhất, cả khu vực và từng quốc gia trong khu vực đều phải có chính sách để khuyến khích sáng tạo, nghiên cứu ở những ngành liên quan hoặc dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Như Việt Nam, thuộc nhóm chưa sẵn sàng, theo đánh giá tại Diễn đàn kinh tế thế giới gần đây, nhưng cũng đã xác định rằng: Đây là thời cơ để thực hiện. Đầu tiên sẽ phải có những chương trình, dự án phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin cho mọi người dân, kể cả người dân đồng bào thiểu số vùng sâu, vùng xa và người nghèo đều truy cập, sử dụng được Internet, tới đây phải là Internet công cộng tiến tới mọi người đều có các thiết bị thông minh để sử dụng Internet, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin. Đơn cử như vấn đề này, cần phải nhắc đến Hệ thống Thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam được bạn bè các quốc gia trong ASEAN đánh giá cao. Đây là minh chứng cụ thể, cho nỗ lực vươn lên mạnh mẽ để tận dụng cơ hội, lợi ích từ công nghệ thông tin. 

Việc thứ hai, vô cùng quan trọng, là phải thực sự phát triển nguồn lực con người. Chúng ta đã nói nhiều đến đào tạo, việc công nhận bằng cấp, văn bằng, trình độ đào tạo giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nói nhiều đến học tập suốt đời và đặc biệt phải nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng doanh nghiệp cùng với Nhà nước, các tổ chức xã hội, người lao động phải làm sao cho hệ thống đào tạo nguồn nhân lực có những thay đổi mạnh mẽ. Bởi lẽ, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không chỉ làm mất đi một loạt các nghề, nhất là các công việc lao động thủ công như dệt may, da giày hay thậm chí là công nhân trong lĩnh vực sản xuất điện tử, xây dựng… mà các nước đang phát triển như Việt Nam đang rất phổ biến. Nhưng thậm chí cả những nghề đòi hỏi kỹ năng rất cao như nghề bác sỹ cũng có thể bị thay thế bởi những máy móc, rô bốt. Bản thân những người lao động cũng sẽ phải thay đổi. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh và các đại biểu dự Hội nghị.

Chúng ta đều biết sẽ có những nghề mới xuất hiện nhưng chính xác là những nghề nào thì đến giờ phút này cũng khó có ai khẳng định được, chỉ ra được những nghề mà 10 năm nữa sẽ xuất hiện. Vì vậy, Nhà nước cùng với doanh nghiệp, các tổ chức và người lao động phải đổi mới chương trình đào tạo của mình, sao cho mọi người lao động, dù là lao động giản đơn hay lao động phức tạp đều sẵn sàng để nâng cao trình độ, kỹ năng của mình và thậm chí là phải chuyển đổi nghề nghiệp hoặc có theo nghề nghiệp cũ thì phải có kỹ năng cao hơn. Để làm được điều này, nhiệm vụ của các cơ quan an sinh xã hội (ASXH) là vô cùng quan trọng. 

Chúng ta đã có những cơ chế, quy định trong BH thất nghiệp giúp đào tạo, chuyển đổi nghề nhưng với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì cơ chế này vận hành trong thực tế còn khá hạn chế. Điều này đòi hỏi tất cả chúng ta, trong đó có các cơ quan tổ chức thực hiện chính sách ASXH phải tiếp tục trao đổi, bàn bạc, đề ra giải pháp khả thi. Xu hướng chung trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là sử dụng ít nhân lực hơn, lao động ngắn hạn nhiều hơn lao động dài hạn, vì vậy các cơ chế, chính sách về bảo hiểm đều phải nghiên cứu để hoàn thiện phù hợp hơn nữa. 

Lao động trong thời kỳ mới, không thuần túy chỉ là đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; số người, tỷ trọng lao động tự tạo việc làm cho chính mình sẽ ngày càng nhiều hơn, đó là những lao động tự do, ngắn hạn, làm việc theo thời vụ, thậm chí theo từng giờ đồng hồ. Ngay ở Việt Nam, hiện nay đã có gần 200.000 lao động tự do, tự tạo việc làm, thực tế này đòi hỏi toàn bộ các chính sách, quy định pháp luật, chế độ bảo hiểm, nghĩa vụ của doanh nghiệp, nghĩa vụ của người lao động, sự điều phối của cơ quan bảo hiểm sẽ phải thay đổi. 

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra rất nhiều việc làm nhưng là làm việc trên môi trường mạng; ngồi ở Việt Nam có thể làm việc cho doanh nghiệp ở bên kia bán cầu, bên này là đêm, bên kia là ngày. Vì vậy khái niệm dịch chuyển lao động cũng sẽ thay đổi. Người lao động không nhất thiết phải đi tới nước khác mà thậm chí ở tại nước sở tại vẫn có thể làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài nếu có điều kiện thuận lợi, trong khi không cần thay đổi chỗ ở, chỗ làm việc. Nói một cách nôm na, vẫn có thể tắm biển, ăn hải sản ở Khánh Hòa, ăn gạo, uống cà phê ở Việt Nam nhưng lại làm việc cho doanh nghiệp của Singapore, Mỹ… là chuyện bình thường. Môi trường làm việc thay đổi và một trong những yếu tố phải thay đổi để hấp dẫn người lao động chính là hệ thống các chế độ ASXH. 

Một vấn đề nữa, bây giờ còn ít được nhắc tới. Một trong những rào cản tác động thay đổi, dịch chuyển lao động trong suốt lịch sử loài người là vấn đề ngôn ngữ. Nhưng một ngày không xa, chúng ta sẽ không cần đến những người làm nghề phiên dịch nữa nhờ những thiết bị dịch thuật bằng công nghệ, thực tế (đã xuất hiện, có rao bán trên Internet). Sự dịch chuyển lao động toàn cầu mạnh mẽ hơn đòi hỏi các chính sách ASXH sẽ phải thay đổi, các quốc gia đều phải nghiên cứu thay đổi để nhìn ra được cơ hội cũng như thách thức to lớn từ những thay đổi công nghệ mang lại.

Các quốc gia ASEAN nhìn chung đều có sự lạc quan nhưng chúng ta không nên quên những thách thức cần phải giải quyết. Chúng ta ở trong khu vực năng động, có mức tăng trưởng kinh tế cao, 10 quốc gia trong khu vực thì đã có 02 quốc gia thuộc top 25 nước dẫn đầu về mức độ sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0. Sự đa dạng trong khối là rất lớn, đó cũng là cơ hội cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu từ các quốc gia đi trước. Cơ hội cho các quốc gia đi trước trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng, hoạt động, sự hợp tác trong khu vực và ra bên ngoài. Chúng ta cùng nhau hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng khu vực ASEAN,cần phảităng cường việc trao đổi, hỗ trợ, hợp tác để khai thác những thế mạnh của nhau. Chúng ta cũng có thuận lợi, thế giới ngày càng nhỏ hơn, theo nghĩa là chúng ta ngồi ở đây nhưng hoàn toàn có thể nhìn, quan sát và tham gia, ảnh hưởng vào sự phát triển ở các vùng khác trên thế giới. 

Một lần nữa xin được cảm ơn các thành viên ASSA, và các tổ chức, quốc gia ngoài ASEAN đã có những đóng góp tích cực cho hệ thống ASXH trong thời gian vừa qua. Mong rằng ASSA sẽ tiếp tục lớn mạnh, cùng các quốc gia ASEAN, các quốc gia trên thế giới tận dụng thành công những thời cơ, lợi ích to lớn đem lại từ cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả vì mục tiêu lấy con người làm trung tâm và không ai bị bỏ lại phía sau nhờ mạng lưới ASXH đa tầng, phù hợp và hết sức linh hoạt./.

Cổng TTĐT BHXH Việt Nam