Quyền lợi của người tham gia BHYT liên tục được mở rộng

13/11/2018 10:13 AM


Trong thực tế cuộc sống, con người luôn có nhu cầu chính đáng được bảo vệ, chăm lo sức khỏe những lúc ốm đau. Một cơ chế chia sẻ rủi ro mang tính xã hội được thực hiện trên diện rộng với sự đảm bảo chắc chắn từ phía Nhà nước trở thành một nhu cầu tất yếu khách quan trong đời sống xã hội.

Thể chế hóa các quan điểm của Đảng về BHYT trong thời kỳ đổi mới, từ năm 1992, Hiến pháp quy định: “Thực hiện BHYT tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe” (Điều 39) - Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai thực hiện chính sách BHYT.

Luật BHYT ra đời có ý nghĩa quan trọng, hướng tới BHYT toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Nội dung quy định của Luật BHYT đã cơ bản khắc phục vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế thông qua BHYT với mục tiêu xây dựng nền y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Ngày 13/06/2014 Quốc hội đã thông qua Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT 2008, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015. Đây là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về BHYT tại Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai chính sách BHYT, góp phần tích cực, tạo nguồn tài chính cho việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, trong đó có một số quy định mới trong thực hiện chính sách BHYT.

Nghị định quy định 03 mức hưởng BHYT đối với từng đối tượng là 80%, 95% và 100%. Trong đó, có 05 trường hợp được hưởng 100% chi phí KCB BHYT. Cụ thể: Thứ nhất: Hỗ trợ 100% chi phí KCB với các đối tượng gồm người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; thân nhân của người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Thứ hai, hỗ trợ 100% chi phí KCB và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, trẻ em dưới 06 tuổi.

Thứ ba, hỗ trợ 100% chi phí KCB tại tuyến xã.

Thứ tư, hỗ trợ 100% chi phí KCB đối với các trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% lương cơ sở (Hiện nay lương cơ sở là 1,39 triệu đồng/tháng).

Thứ năm, hỗ trợ 100% chi phí KCB khi người bệnh tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, trừ khi tự đi KCB không đúng tuyến.

Quy định về thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên đối với người phải cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh là thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.

Người được cơ quan có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, làm việc hoặc theo chế độ phu nhân, phu quân hoặc con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi đi theo bố hoặc mẹ công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thì thời gian ở nước ngoài được tính là thời gian tham gia BHYT.

Người lao động khi đi lao động ở nước ngoài thì thời gian đã tham gia BHYT trước khi đi lao động ở nước ngoài được tính là thời gian đã tham gia BHYT nếu tham gia BHYT khi về nước trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Người lao động trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật việc làm thì thời gian đã tham gia BHYT trước đó được tính là thời gian đã tham gia BHYT.

Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an khi nghỉ hưu, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc thôi việc, nếu thời gian học tập, công tác trong quân đội nhân dân, công an nhân dân và tổ chức cơ yếu chưa tham gia BHYT thì thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục.

Nghị định 146 cũng quy định về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở. Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả tại một lần hoặc nhiều lần khám bệnh, chữa bệnh tại cùng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó lớn hơn 06 tháng lương cơ sở thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thu số tiền cùng chi trả lớn hơn 06 tháng lương cơ sở của người bệnh. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp hóa đơn thu đối với số tiền cùng chi trả đủ 06 tháng lương cơ sở để người bệnh có căn cứ đề nghị cơ quan BHXH xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó. Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau hoặc tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lớn hơn 06 tháng lương cơ sở thì người bệnh mang chứng từ đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 06 tháng lương cơ sở và nhận giấy xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó. Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả vượt quá 06 tháng lương cơ sở được tính từ ngày 01 tháng 01, quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi của người bệnh kể từ thời điểm người bệnh tham gia đủ 05 năm liên tục đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó.

PV