Giản dị và tiết kiệm

24/01/2022 04:47 PM


Bà Nguyễn Thị Liên, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, kể lại rằng: Khi làm việc ở văn phòng Bác, đôi khi bà còn đảm nhận việc khâu, vá quần áo, chăn, màn, áo gối cho Bác Hồ. Công việc này giúp bà có điều kiện được gần Bác và học tập ở Bác được rất nhiều điều, nhất là đức tính giản dị, tiết kiệm.

Ảnh: Bác Hồ trong một bữa cơm cùng đồng bào, chiến sĩ tại chiến khu Việt Bắc (Nguồn TTXVN)

Áo Bác rách, có khi vá đi vá lại, Bác mới cho thay. Chiếc áo gối màu xanh của Bác, được đồng chí Cần (người phục vụ Bác) đưa bà vá đi vá lại. Cầm chiếc áo gối của Bác, bà rưng rưng nước mắt, bà nói với đồng chí Cần thay áo gối khác cho Bác dùng nhưng Bác chưa đồng ý. Người vẫn dùng chiếc áo gối vá.

Bà còn kể: Ở Việt Bắc, có một buổi Bác đi công tác về muộn, về qua văn phòng, Bác nghỉ lại một lát vì mệt. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ của Bác nói với bà: Bác mệt không ăn được cơm. Cô nấu cho Bác bát cháo.

 Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền nhỏm dậy bảo bà: Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa.

Qua câu chuyện kể của bà Nguyễn Thị Liên ta thấy xúc động và thương Bác vô cùng. Với cương vị là một Chủ tịch nước, nhưng thấu hiểu lòng dân, thấu hiểu tình hình khi đất nước còn nhiều khó khăn, Bác vẫn sử dụng chiếc áo gối rách, bát cháo nấu bằng cơm nguội. Qua đó một lần nữa cho chúng ta thấy sự giản dị, tiết kiệm của Bác mang ý nghĩa hết sức cao đẹp. Sự giản dị, tiết kiệm đó không chỉ thể hiện trong nếp sống, mà còn được thể hiện thông qua cách nói, cách viết, cách làm việc của Người.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, là “người đầy tớ” của Nhân dân, chúng ta phải học tập và noi gương Bác, phải tiết kiệm, không được lãng phí, phô trương, hình thức; tiết kiệm ở tất cả các lĩnh vực của đời sống hàng ngày, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ gia đình đến cộng đồng xã hội để góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn./.

Văn Quyết – BTG Tỉnh ủy