Cảnh giác với việc mạo danh bảo hiểm xã hội để lừa đảo

15/09/2023 09:54 AM


Lợi dụng nhu cầu của người dân đối với các dịch vụ của BHXH, đối tượng lừa đảo đã lập các website BHXH giả mạo để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Chị Nguyễn Anh Mỹ Duyên, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), trước đây làm việc cho một công ty ở tỉnh Phú Thọ. Sau đó, chị Duyên nghỉ việc, về Quảng Ngãi tìm việc làm mới. Do gặp khó khăn về tài chính nên giữa tháng 8/2023, chị Duyên đã liên hệ với cơ quan BHXH Hà Nội để được giải quyết chế độ BHXH. Theo quy định của Luật BHXH, trường hợp người lao động nghỉ việc có quyết định của công ty mà mình làm việc thì công ty đó sẽ thực hiện việc chốt sổ BHXH cho người lao động. Còn trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc thì người lao động tự đến cơ quan BHXH nơi công ty đăng ký đóng BHXH để chốt sổ.
 
Chị Nguyễn Anh Mỹ Duyên, ở phường Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi), chia sẻ về trang Fanpage giả mạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Chị Nguyễn Anh Mỹ Duyên, ở phường Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi), chia sẻ về trang Fanpage giả mạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Không có điều kiện để ra Hà Nội chốt sổ BHXH nên chị Duyên đã tìm hiểu trên các trang mạng xã hội mong có hướng giải quyết online. Trong quá trình tìm kiếm, chị Duyên thấy có trang Fanpage của BHXH Việt Nam. Sau khi tương tác, chị Duyên được một người xưng là nhân viên của BHXH Việt Nam cho biết sẽ hỗ trợ chị giải quyết thủ tục BHXH. Đối tượng này gửi cho chị Duyên giấy đề nghị chốt sổ BHXH và yêu cầu chị đóng 500 nghìn đồng tiền phí vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp. Nhận được tiền phí, đối tượng thông báo là hồ sơ của chị Duyên gặp trục trặc phải thanh tra và yêu cầu chị chuyển 2 triệu đồng phí thanh tra.

Để tạo lòng tin, đối tượng này cam kết số tiền sẽ được hoàn trả cho chị Duyên sau 10 phút hoàn tất hồ sơ. Nhận thấy việc lừa tiền thuận lợi, đối tượng lừa đảo tiếp tục thông báo với nội dung: Tín nhiệm của chủ hồ sơ không đủ để thực hiện giải ngân do trong quá trình thực hiện thanh toán xảy ra nhiều vấn đề. Trạng thái tải hiện tại của chủ hồ sơ là 96%. Chủ hồ sơ cần hoàn thành thêm một thanh toán để hoàn thành quá trình giải ngân và hoàn tất trạng thái tải hiện tại. Sau đó, đối tượng lừa đảo yêu cầu chị Duyên chuyển thêm 4 triệu đồng để hoàn tất hồ sơ. Lúc này, chị Duyên nhận ra đây là trang mạng lừa đảo nên ngừng giao dịch.

Chị Duyên chia sẻ, khi tiếp cận trang Fanpage, tôi thấy có nhiều lượt tương tác nên nghĩ đây là trang chính thống của BHXH Việt Nam và liên hệ nhờ giải quyết thủ tục chốt sổ BHXH. Tôi không ngờ mình lại dính bẫy của đối tượng lừa đảo và bị mất 2,5 triệu đồng. Tôi hy vọng qua bài học của tôi, mọi người sẽ nâng cao tinh thần cảnh giác, không để bị các đối tượng lừa đảo.

Theo BHXH tỉnh, đây không phải lần đầu tiên các đối tượng mạo danh xưng cơ quan BHXH, hay cán bộ cơ quan BHXH để lừa đảo. Mặc dù cơ quan BHXH đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhưng vẫn có nhiều trường hợp người dân bị lừa đảo. Cơ quan BHXH khuyến cáo, người lao động, đơn vị, tổ chức không nên tìm hiểu thông tin, quy trình, thủ tục của BHXH qua các trang, hội nhóm, diễn đàn... không chính thống trên mạng. Thận trọng trước số điện thoại lạ có các đầu số: 0555, 8009... của đối tượng tự xưng là nhân viên BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hay thao tác chuyển khoản, tránh bị kẻ xấu lừa đảo... Hiện nay, BHXH Việt Nam chỉ thực hiện giao dịch trực tuyến với người dân, doanh nghiệp qua các kênh thông tin chính thức như: Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam; Fanpage Facebook: baohiemxahoi.gov.vn.

Bài, ảnh: HỒNG HOA (https://baoquangngai.vn)