Mức phạt khi có việc làm mới mà vẫn hưởng bảo hiểm thất nghiệp
31/07/2020 08:07 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trợ cấp thất nghiệp là một trong các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm. Có việc làm vẫn hưởng bảo hiểm thất nghiệp là một trong những hành vi trục lợi bảo hiểm. Mức phạt với hành vi này cụ thể ra sao?
Thế nào là có việc làm khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Theo khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm 2013, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi:
- Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Tìm được việc làm.
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
- Hưởng lương hưu hằng tháng.
- Sau 2 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng.
- Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định trong 3 tháng liên tục…
Theo đó, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tìm được việc làm mới thì sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động được xác định là có việc làm thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ đủ 3 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực theo quy định của pháp luật;
- Có quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày có việc làm trong trường hợp này được xác định là ngày bắt đầu làm việc của người đó ghi trong quyết định tuyển dụng;
- Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm theo mẫu quy định. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.
Có việc làm vẫn hưởng bảo hiểm thất nghiệp là một trong những hành vi trục lợi bảo hiểm. (Ảnh minh họa)
Mức phạt khi có việc làm vẫn hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Nếu người lao động có việc làm mà vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo tới Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng theo quy định tại Điều 39 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, người lao động còn buộc phải nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đã nhận.
Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Ví dụ ông A đóng bảo hiểm thất nghiệp được 10 năm. Đầu tháng 3/2020, ông A nghỉ việc làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông A là 10 tháng.
Đầu tháng 6/2020 ông A tìm được việc và thông báo tới Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Như vậy ông A sẽ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 120 tháng – (3 tháng x 12)= 84 tháng.
Trường hợp người lao động cố tình vi phạm, không chấp hành quy định của pháp luật, không hoàn trả tiền trợ cấp thất nghiệp hưởng sai, không thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Hoàng Mai - (https://baomoi.com)
Hướng đến sự hài lòng cho người dân và doanh ...
Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo ...
Quảng Ngãi hướng đến mục tiêu bao phủ bảo hiểm y ...
Chung tay để hội viên Hội Nông dân có lương hưu