Sáng nay (25/11), khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 38
25/11/2021 02:51 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 25/11), Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 38 (Hội nghị ASSA 38) với chủ đề “Bảo trợ xã hội trước những thách thức từ số hóa và bất ổn về kinh tế” đã chính thức khai mạc. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự từ các điểm cầu của các tổ chức thành viên.
Cơ quan Quản lý An sinh xã hội (ASXH) về Xã hội Indonesia (BPJS Ketenagakerjaan)- Phó Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2020-2021 chủ trì tại điểm cầu Indonesia. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội (Việt Nam). Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Việt Nam còn có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Ông Anggoro Eko Cahyo phát biểu chào mừng Hội nghị
Hiệp hội ASXH ASEAN (ASSA) được thành lập năm 1998 và là diễn đàn khu vực của các tổ chức ASXH các nước Đông Nam Á. Trải qua quá trình 23 năm hình thành và phát triển, đến nay, ASSA có 21 thành viên là các tổ chức ASXH thuộc các quốc gia Đông Nam Á như: Brunei, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Myanma và Việt Nam.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Anggoro Eko Cahyo- Tổng Giám đốc BPJS Ketenagakejaan, Phó Chủ tịch Hiệp hội ASSA nhiệm kỳ 2020-2021 cho biết, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động lớn đến kinh tế-xã hội toàn cầu nói chung và ASXH nói riêng. Trong 2 năm qua, đại dịch hoành hành đã gây ra nhiều đứt gãy, đe doạ đời sống người dân, buộc các quốc gia trên toàn thế giới phải sử dụng biện pháp như hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, ASXH đóng vai trò quan trọng giúp đảm bảo đời sống của người dân, NLĐ. "Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để ASXH thể hiện được tầm quan trọng của mình. Cùng với đó, nhiều quốc gia đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, khoa học kỹ thuật, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, áp dụng vào thực tiễn, đảm bảo thực hiện các công việc và thích ứng với bối cảnh dịch bệnh”- ông Anggoro Eko Cahyo nói.
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Cũng theo Tổng Giám đốc BPJS Ketenagakejaan, trong đại dịch, các quốc gia trên toàn thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng cần nhận thức hơn nữa vai trò cấp thiết của ASXH. Trong đó, thúc đẩy số hoá, truyền thông để đẩy mạnh việc phát triển NLĐ tham gia hệ thống; cũng như thực hiện nhanh các quá trình hỗ trợ khẩn cấp cho người dân. Đồng thời, chuyển đổi số sẽ tạo ra các thông tin, dữ liệu; từ đó góp phần xây dựng, phát triển các dịch vụ ASXH phù hợp hơn với vòng đời của người dân.
“Nằm trong chương trình của Hội nghị ASSA 38- Hội thảo với chủ đề: “Bảo trợ xã hội trước những thách thức từ số hoá và bất ổn kinh tế” được kỳ vọng sẽ là diễn đàn để các tổ chức thành viên cùng nhau chia sẻ, thảo luận và tìm hiểu sâu hơn, rõ hơn sự cần thiết trong chuyển đổi số, tác động của số hoá đến ASXH trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, những thông tin hữu ích tại Hội thảo này sẽ trở thành những kinh nghiệm quý báu đối với các tổ chức thành viên, để áp dụng vào thực tiễn ASXH của mỗi quốc gia. Từ đó, có thể xây dựng, cung cấp dịch vụ phù hợp, ứng phó với đại dịch; đồng thời tiếp tục mở rộng, nâng cao vai trò của ASXH. Tôi vô cùng tin tưởng bài học thực tiễn kinh nghiệm sẽ là nguồn cảm hứng thúc đẩy, cải thiện lao động, phúc lợi của người dân trong khu vực”- Tổng Giám đốc BPJS Ketenagakejaan nói.
Ông Heng Sophannarith- Quyền Tổng Giám đốc NSSF
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Heng Sophannarith- Quyền Tổng Giám đốc Quỹ ASXH Quốc gia Campuchia (NSSF), Chủ tịch Hiệp hội ASSA nhiệm kỳ 2020-2021 chia sẻ mong muốn dịch bệnh sớm được đẩy lùi và các thành viên trong Hiệp hội sẽ sớm được gặp gỡ trực tiếp, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện các chính sách ASXH tại quốc gia mình. Ông Heng Sophannarith cho rằng, trong 2 năm qua, dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế-xã hội của mọi quốc gia, gây ra những rủi ro, bất ổn đến mọi mặt đời sống. Để ứng phó với đại dịch, mỗi quốc gia cần phải thích ứng và đảm bảo các biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động đến kinh tế-xã hội, đảm bảo sự thịnh vượng của quốc gia nói chung và ASXH đất nước nói riêng.
Cũng theo ông Heng Sophanarith, ASXH đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế, đảm bảo thu nhập cho người dân. Thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu thế chuyển đổi số trên toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới đang đẩy nhanh quá trình số hoá, coi số hoá và truyền thông đóng vai trò quan trọng trong phục hồi kinh tế, thúc đẩy sản xuất sau đại dịch, tạo ra các giá trị kinh tế, tạo việc làm cho NLĐ, đẩy mạnh ASXH phát triển.
Đại biểu tham dự Hội nghị tại một số điểm cầu
“Đây là xu hướng toàn cầu, chính vì vậy, trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch phải khai thác lợi ích tối ưu của CNTT, số hoá, truyền thông để thúc đẩy kinh tế, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại. Số hoá cần mang tính bao trùm, độ tin cậy cao, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy ASXH phát triển, đồng thời nhờ số hoá sẽ cung cấp dịch vụ ASXH tốt hơn, nâng cao hiệu quả trong giải quyết chế độ chính sách cho người dân, thúc đẩy nâng cao quản lý dữ liệu, giảm thiểu TTHC, tiết kiệm thời gian, chi phí trong tổ chức thực hiện các chính sách...”- ông Heng Sophannarith nói.
Ông Heng Sophanarith cũng bày tỏ mong muốn các tổ chức thành viên ASSA thúc đẩy chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong thực hiện ASXH, nhất là về chuyển đổi số, số hoá, truyền thông thích ứng với đại dịch. "Tôi tuyên bố khai mạc Hội nghị trực tuyến. Hy vọng với sự trao đổi tại chương trình Hội thảo sáng 25/11, các đại biểu sẽ có thêm được nhiều thông tin và kinh nghiệm hữu ích, mang tính thực tiễn cao”- Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2020-2021 nhấn mạnh.
Ông Achim Schmillen trình bày tham luận tại Phiên Hội thảo 1
Trong khuôn khổ Hội nghị, ngay sau Lễ khai mạc, các đại biểu sẽ tham dự 2 phiên Hội thảo. Phiên Hội thảo 1 với chủ đề "Covid-19 và Bất ổn kinh tế: Tác động và chính sách phản ứng". Phiên Hội thảo này sẽ có phần trình bày của ông Ekkaphab Phanthavong- Phó Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội của ASEAN với nội dung: "Tác động của Covid-19 đối với khu vực Đông Nam Á"; ông Achim Schmillen- Trưởng Chương trình Quốc gia về Phát triển con người (WB) tại Indonesia với nội dung "Covid-19 và sự trỗi dậy của bảo trợ xã hội thích ứng"; của đại diện Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia với nội dung "Tác động của Covid-19 đối với việc làm: Xây dựng chiến lược phục hồi kinh tế của Indonesia".
Tại Phiên hội thảo 2 với chủ đề "Giải pháp kỹ thuật số cho Bảo trợ xã hội" có bài trình bày của ông Raul Ruggia-Frick- Giám đốc Phát triển ASXH của Hiệp hội ASXH Quốc tế (ISSA) về "Mô hình CNTT-Truyền thông mới thúc đẩy chuyển đổi số"; bà Dorcas Fong- Giám đốc Vườn ươm và Trung tâm hỗ trợ DN (Quỹ ASXH Singapore-CPF) với nội dung "Sáng tạo trong cung cấp bảo trợ xã hội tại Singapore"; ông Paul Kang Hinan Beng- Trưởng phòng Cải cách (SOCSO Malaysia); ông Pramudya Iriawan Buntoro- Giám đốc Hoạch định Chiến lược và CNTT (BPJS Ketenagakerjiaan) với nội dung "Sáng tạo trong cung cấp bảo trợ xã hội tại Indonesia".
Cũng theo kế hoạch, trong ngày 26/11, Hội nghị ASSA 38 sẽ tiến hành Trao giải thưởng Thực tiễn hiệu quả. Trong đó, BHXH Việt Nam vinh dự được nhận Giải thưởng về CNTT và Chuyển đổi số với ứng dụng "VssID- BHXH số". Đồng thời, Hội nghị cũng xem xét và thông qua Chương trình nghị sự Hội nghị ASSA 38; xác nhận Biên bản Hội nghị; trao đổi những vấn đề phát sinh từ Biên bản Hội nghị ASSA 37. Cùng với đó, thực hiện Chuyển giao nhiệm kỳ Chủ tịch ASSA mới, trong đó chuyển giao các chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký ASSA; thực hiện chuyển giao Biểu trưng ASSA và các tài liệu cho Chủ tịch và Tổng Thư ký nhiệm kỳ mới; các tổ chức thành viên thảo luận về một số vấn đề và đề xuất chủ đề Hội nghị ASSA 39…
Thủy Hà (tapchibaohiemxahoi.gov.vn)
Hướng đến sự hài lòng cho người dân và doanh ...
Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo ...
Quảng Ngãi hướng đến mục tiêu bao phủ bảo hiểm y ...
Chung tay để hội viên Hội Nông dân có lương hưu