BHXH Việt Nam nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình khó khăn chung
15/04/2021 03:25 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Những tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đã tạo áp lực không nhỏ tới việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam. Theo đó, bên cạnh việc đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (BHTN), toàn Ngành luôn theo dõi sát tình hình phòng, chống dịch Covid-19 để kịp thời có những đề xuất nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho người dân trong việc thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ
Khắc phục mọi khó khăn, thách thức, toàn Ngành từ Trung ương đến địa phương đã có sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành đã được triển khai. Trong đó, BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT; giao chỉ tiêu cụ thể hằng tuần, tháng đối với phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT cho từng đại lý thu; đôn đốc thu, giảm nợ, như: phân công cán bộ chuyên quản đôn đốc đơn vị sử dụng lao động để thu nộp BHXH, BHYT, BHTN kịp thời, không để nợ tiền đóng; tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng; tích cực rà soát, đối chiếu dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp; rà soát lại việc ký hợp đồng với các đại lý, dừng triển khai đối với các Điểm thu chưa đáp ứng được điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực của nhân viên đại lý…
BHXH Việt Nam cũng giao chỉ tiêu cho BHXH các tỉnh, thành phố vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố rà soát và kịp thời xử lý các trường hợp hưởng trợ cấp BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam tiếp tục cắt giảm bộ TTHC của Ngành từ 27 TTHC xuống còn 25 TTHC; tích hợp, cung cấp thêm các DVC mức độ 4 của Ngành trên Cổng DVC Quốc gia; hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới cho ứng dụng "VssID - BHXH số"; đẩy mạnh kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành; triển khai thực hiện việc kết nối kỹ thuật để khai thác, chia sẻ dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Bộ Công an để quản lý người tham gia BHXH, BHTN, BHYT…
Cụ thể các kết quả đạt được trong quý I/2021 như sau:
Về công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT: Do tác động của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động nên gây khó khăn cho công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, các chỉ tiêu về phát triển người tham gia của Ngành đều giảm so với cuối năm 2020.
Số người tham gia: BHXH là gần 16 triệu người, đạt 32,4% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó có: gần 14,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, trên 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, lần lượt giảm 1,05% và 2,17% so với hết năm 2020); BHTN gần 13,2 triệu người, đạt 26,7% lực lượng lao động trong độ tuổi, giảm 1,15% so với hết năm 2020; BHYT gần 87 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,9% dân số, giảm 1,24% so với hết năm 2020.
Mặc dù, các chỉ tiêu phát triển đối tượng chưa đạt như kỳ vọng, nhưng vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, số thu BHXH, BHYT, BHTN 3 tháng đầu năm 2021, tăng 10,06% so với chỉ tiêu cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, một phần do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nên tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT những tháng đầu năm vẫn cao; tình trạng nợ đọng, chậm đóng tại một số cơ quan, đơn vị còn khá phổ biến; việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
Về công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH cho người tham gia: Số người giải quyết hưởng mới chế độ BHXH hằng tháng, ốm đau, thai sản đều giảm; số người đề nghị hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng, tăng gần 20,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh, người lao động nghỉ việc, mất việc, tính thời điểm này đã đủ 12 tháng (trong đó, một số địa phương có số người đề nghị hưởng BHXH một lần tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như Khánh Hoà, Đà Nẵng, Quảng Nam…).
Về công tác thực hiện chính sách BHYT: Cả nước có gần 40 triệu lượt người KCB BHYT, tăng hơn 1,6 triệu người (12,05%) so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, số chi BHYT gần 24.500 tỷ đồng, tăng gần 15,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp
Chính phủ dự báo, năm 2021 sẽ còn nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây nên, vì vậy, để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ trong những tháng tiếp theo, BHXH Việt Nam xác định tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp sau:
- BHXH các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN trong tháng 4 và những tháng tiếp theo.
- Phối hợp với các bộ, ngành triển khai chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2021; thực hiện thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch đã được BHXH Việt Nam phê duyệt; tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất tại các đơn vị có dấu hiệu nợ đọng, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT (như: Luật BHXH sửa đổi, Luật BHYT sửa đổi, Luật Thanh tra sửa đổi và các luật chuyên ngành khác có liên quan); hướng dẫn, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản, quy định mới về chính sách BHXH, BHYT.
- Triển khai kế hoạch truyền thông chính sách BHXH, BHYT năm 2021 thiết thực, hiệu quả, tập trung tuyên truyền trực tiếp; tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; tập trung trực tiếp vào các nhóm đối tượng có khả năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; quan tâm, tiếp tục tuyên truyền vận động, kêu gọi các mạnh thường quân, các cấp các ngành phối hợp trao tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân khó khăn; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị, DN, NLĐ, người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số…
- Cùng với đó, toàn Ngành phải quản lý chặt chẽ đối tượng hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ; quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, trợ cấp thất nghiệp; tăng cường, chủ động các biện pháp kiểm soát chi phí KCB BHYT tại các cơ sở y tế.
- Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC; tích hợp cung cấp thêm các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Ngành lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới trên ứng dụng VssID - BHXH số; hoàn thiện, nâng cấp, đồng bộ các phần mềm nghiệp vụ; cập nhật bổ sung dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia; liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành..., quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia và hưởng chính sách BHXH, BHYT; giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Ngành trong thực thi nhiệm vụ./.
BBT (nguồn TTTT)
Sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế
Tiện ích cho người tham gia BHXH
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, truyền thống của ...
Nhiều quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế 5 năm ...