BH thất nghiệp- “Điểm tựa” thời dịch bệnh
03/09/2021 03:48 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tiếp tục khiến nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến nhiều NLĐ phải nghỉ việc, mất việc làm. Trong bối cảnh đó, chính sách BH thất nghiệp đã trở thành “điểm tựa” cho nhiều NLĐ, giúp họ vượt qua khó khăn… Tỷ lệ hưởng BH thất nghiệp tăng
Anh Nguyễn Văn Đông (trú quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) làm nhân viên cho một công ty xăng dầu đã nhiều năm nay. Đầu tháng 5 vừa qua, dịch bệnh ở Đà Nẵng bùng phát, khiến nhiều hoạt động giao thông vận tải phải tạm dừng, ảnh hưởng trực tiếp đến công ty nơi anh làm việc. Tình thế đó buộc công ty phải cắt giảm nhân sự và anh Đông nằm trong số những NLĐ phải nghỉ việc. “Từ ngày nghỉ việc đến nay, tôi vẫn ở nhà chứ chưa tìm được công việc mới. Tôi đã làm sơ hồ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đến nay đã nhận được 3 tháng, mỗi tháng 2,8 triệu đồng”- anh Đông chia sẻ.
Tiếp nhận hồ sơ BH thất nghiệp
Tính đến cuối tháng 7/2021, trên địa bàn Đà Nẵng có hơn 11.500 NLĐ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 11.165 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngành nghề có NLĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều như: Nhà hàng- khách sạn- du lịch với 2.280 người (chiếm 19,8%); tiếp đến là dệt may, da giày với 1.131 người (chiếm 9,8%)…
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2020, cả nước có trên 13,3 triệu người tham gia BH thất nghiệp. Riêng năm 2020, số người nhận trợ cấp thất nghiệp đã tăng 12,02% so với năm 2019; tổng số chi từ quỹ BH thất nghiệp là 18.852 tỷ đồng, tăng 49,2%. Trong 6 tháng đầu năm 2021, BHXH các cấp đã phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho 340.289 người hưởng chế độ BH thất nghiệp, tăng 41.385 người (10,84%) so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, số người nhận chế độ trợ cấp thất nghiệp năm 2020 cũng như nửa đầu năm 2021 tăng cao, chủ yếu là do dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh. Một số DN phải tạm dừng hoạt động, bị giải thể, cắt giảm nhân sự, khiến NLĐ không có việc làm phải nghỉ việc, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên. Trong đó, đợt dịch COVID-19 lần thứ tư (từ cuối tháng 4/2021 đến nay) là nghiêm trọng nhất, khi tấn công vào các KCN- nơi tập trung đông NLĐ, tác động mạnh đến hầu hết các DN và NLĐ.
Tiếp tục phát huy hiệu quả quỹ BH thất nghiệp
Từng có nhiều năm kinh nghiệm và tham gia nghiên cứu các chính sách về lao động, việc làm và BHXH, ông Phạm Minh Huân- nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của quỹ BH thất nghiệp, khi trở thành “điểm tựa” cho NLĐ khi bị mất việc làm.
Quỹ BH thất nghiệp trở thành điểm tựa cho NLĐ trong đại dịch
Theo ông Huân, quỹ BH thất nghiệp không chỉ là khoản ngân sách dùng để hỗ trợ NLĐ không may bị mất việc hoặc giảm giờ làm, mà nguồn tiền này còn dùng để đào tạo lại lao động. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều năm nay, nguồn quỹ này dường như mới chỉ tập trung vào việc trợ cấp cho NLĐ sau khi mất việc, còn phần đào tạo lại, hỗ trợ học nghề chưa thực sự được chú trọng. Vì vậy, về lâu dài, cần phải có những điều chỉnh, giải pháp để sử dụng hiệu quả nguồn quỹ. Quan trọng hơn là cần có tính toán cụ thể và xây dựng những đề án về đào tạo và đào tạo lại lao động, nhằm ứng phó với những thay đổi của thị trường lao động, nhất là trong bối cảnh cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Đồng tình chính sách BH thất nghiệp nhằm trợ cấp cho NLĐ trong những tình huống khó khăn là rất tốt, song bà Nguyễn Thị Lan Hương- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH (Bộ LĐ-TB&XH) nhìn nhận, về lâu dài cần chú trọng nhiều hơn đến việc hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ thất nghiệp và có nguy cơ bị mất việc làm hơn là chỉ trợ cấp tiền. Việc này không chỉ giúp NLĐ có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với bối cảnh thực tế, mà còn nhằm hạn chế tình trạng trục lợi chính sách. Về lâu dài, cần có một chiến lược về đào tạo lại cho những lao động thất nghiệp, có nguy cơ bị mất việc làm, trong đó xác định rõ những nhóm ngành nghề nào thực sự cần thiết mới đào tạo, tránh đào tạo chung chung, ồ ạt.
Dưới góc độ DN, bà Phan Thị Thanh Xuân- Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho rằng, theo quy định của Luật Việc làm, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BH thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. “Quy định này đã tạo ra tình trạng biến động lao động tại nhiều DN, do NLĐ- nhất là NLĐ trẻ lợi dụng chính sách chỉ đi làm đủ 12 tháng để hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Thậm chí, có trường hợp sau đó lại đi xin việc làm tiếp 12 tháng rồi lại nghỉ, gây khó khăn cho các DN trong thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh”- bà Xuân lý giải.
Hiện nay, chính sách BH thất nghiệp được xem là “cứu cánh” của NLĐ trong việc duy trì cuộc sống cho đến khi tìm được việc làm mới và quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, chính sách này đã bộc lộ những bất cập cần sớm được sửa đổi như: Quy định đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; mức tiền lương tối đa làm căn cứ đóng giữa BHXH bắt buộc và BH thất nghiệp không đồng nhất; điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp còn chưa chặt chẽ, chưa phản ánh đúng bản chất của thất nghiệp; quy định về việc thực hiện chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm còn chưa cụ thể, dẫn đến việc thực hiện còn mang tính chất hình thức.
“Điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ chưa phù hợp với tình hình thực tế. Chính vì vậy, sau 4 năm triển khai Luật Việc làm, đến nay vẫn chưa có đơn vị SDLĐ nào nộp hồ sơ đề nghị và được thụ hưởng chế độ này”- ông Đỗ Ngọc Thọ cho biết.
V.Thu - (http://www.tapchibaohiemxahoi.gov.vn/)
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
Ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ ...
Bản tin Audio số 46 - Tuần 2 tháng 1/2025
Bản tin Audio số 45 - Tuần 1 tháng 1/2025