Bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT luôn là mục tiêu tối thượng
13/11/2018 10:21 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thời gian qua, dư luận quan tâm nhiều đến việc quỹ BHYT kết dư gần 39.000 tỷ và lo lắng liệu quyền lợi của người tham gia BHYT có bị thắt chặt lại để dư quỹ? Để giúp bạn đọc có đầy đủ thông tin về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.
PV: Trước tiên xin ông cho biết thực chất của thông tin về việc năm 2017, Quỹ BHYT đang kết dư gần 39.000 tỷ?
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh:
Trước hết, phải nói rằng trong mọi trường hợp, quyền lợi khám chữa bệnh BHYT luôn được đảm bảo đúng và đầy đủ theo đúng quy định của luật BHYT cho dù quỹ khám chữa bệnh bội chi hay kết dư.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 35 Luật BHYT, chúng ta phải “dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng”. Vì vậy, nói chính xác thì số dư trên là quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT được tồn tích qua nhiều năm triển khai thực hiện Luật BHYT và còn đến cuối năm 2017.
Thứ ba, trong thiết kế chính sách BHYT ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam, Quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT là cần thiết để bảo đảm tính bền vững của chính sách BHYT, đảm bảo khả năng chi trả trước những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh có thể phát sinh. Đối với điều kiện cụ thể ở Việt Nam, quỹ dự phòng khám, chữa bệnh là rất quan trọng vì bên cạnh rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, chúng ta cần nguồn lực thanh toán khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo lộ trình tính đúng, tính đủ và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới trong khám, điều trị.
Thứ tư, thực tế năm 2017 và mấy năm vừa qua chúng ta đã bị bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT, phải sử dụng quỹ dự phòng để bù đắp. Nếu chi phí khám, chữa bệnh không được kiểm soát tốt và quỹ dự phòng BHYT không còn đủ thì sẽ phải điều chỉnh tăng mức đóng BHYT, điều này sẽ tác động đến thu nhập của người dân, khả năng của doanh nghiệp, cân đối của Ngân sách nhà nước và năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo tôi, xem xét quỹ dự phòng phải tổng thể, tính đến xu hướng gia tăng chi phí khám chữa bệnh hàng năm, số chi khám chữa bệnh hiện tại (khoảng 90 ngàn tỷ đồng) và mức độ bội chi quỹ KCB; nếu không sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, quỹ dự phòng hiện tại sẽ không còn trong thời gian không dài.
PV: Có một số ý kiến lo ngại việc để tồn tích Quỹ BHYT - nguồn quỹ ngắn hạn, sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT, ông lý giải ra sao về vấn đề này?
Tôi xin khẳng định rằng không có chuyện đó, vì theo quy định của pháp luật và quan điểm chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và BHXH Việt Nam là: Quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT phải gắn liền với việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi cho người tham gia BHYT. Trong mọi trường hợp, bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia BHYT luôn được xác định là mục tiêu tối thượng của quỹ BHYT; đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT cũng là mục đích duy nhất của quỹ dự phòng BHYT.
Trên thực tế, quyền lợi của người tham gia BHYT đang được bảo đảm đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật; nếu ở đâu không thực hiện đúng thì sẽ bị xử lý nghiêm. Những năm qua, số người khám, chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả và chi phí khám, chữa bệnh BHYT năm sau cao hơn năm trước. Chỉ riêng trong năm 2017, cơ quan BHXH đã thanh toán cho gần 170 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với số tiền lên tới trên 88 ngàn tỷ đồng; trong đó hàng ngàn trường hợp khám, chữa bệnh với chi phí hàng trăm triệu đồng, có những trường hợp được chi trả chi phí khám, chữa bệnh hàng tỷ đồng.
Cuối cùng, tôi xin nhắc lại rằng, với tốc độ gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT lớn như hiện nay (trong 02 năm, chi phí KCB BHYT tăng gấp khoảng 1,8 lần), nếu không có biện pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh thì quỹ dự phòng không còn, phải điều chỉnh mức đóng; như vậy có tác động không nhỏ đến người dân, doanh nghiệp và xã hội.
PV: Bên cạnh đó, cũng còn có một số ý kiến cho rằng, chính sách BHYT của chúng ta đang hướng tới một nền y tế giá rẻ với danh mục thuốc nghèo nàn, ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
Tôi cho rằng chúng ta phải hướng tới một nền y tế tiên tiến, hiện đại, công bằng trên cơ sở phát triển BHYT xã hội cơ bản (để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản, thiết yếu cho mọi người dân và “gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả” như quy định của Luật BHYT) và phát triển BHYT bổ sung (cho những người có nhu cầu muốn hưởng cao hơn, chữa bệnh theo nhu cầu, tự chọn thầy thuốc...).
Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có chính sách BHYT tốt nhất thế giới. Mệnh giá thẻ BHYT của chúng ta hiện nay mới chỉ ở mức bình quân 30 đến 40 USD/người trong khi Danh mục thuốc BHYT của Việt Nam hơn 1.000 loại, rộng hơn rất nhiều nước (các nước trung bình có khoảng 700 loại), cùng với đó là hàng ngàn dịch vụ kỹ thuật, trong đó rất nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn cũng được quỹ BHYT thanh toán (năm 2017 có gần 170 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, trong đó có nhiều người được chi hàng trăm triệu đồng, có người trên một tỷ đồng/năm). Như vậy, nếu ai đó nói chúng ta hướng đến nền y tế giá rẻ với danh mục thuốc, dịch vụ nghèo nàn là không đúng thực tế, thiếu khách quan và chưa hiểu đúng về chính sách.
Một lần nữa, chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí truyền thông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người hiểu đầy đủ về quyền, trách nhiệm và tính nhân văn sâu sắc của chính sách BHYT toàn dân mà chúng ta đang triển khai thực hiện./.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tuệ Anh (thực hiện)
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Hiệu quả hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân tộc ...
Hướng đến sự hài lòng cho người dân và doanh ...
Liên thông thủ tục cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất với Cổng ...
BHXH huyện Đức Phổ tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực ...
BHXH tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện Công Văn số ...
Quảng Ngãi chú trọng phát triển BHYT học sinh, sinh viên
UBND thành phố Quảng Ngãi tổng kết bảo hiểm y tế học sinh, ...