Những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thục hiện Chỉ thị 12

28/07/2023 09:15 AM


Phải khẳng định rằng, Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tác động tích cực đến nhận thức về BHXH, BHYT của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, trong quá trình quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị vẫn còn tồn tài một số hạn chế, vướng mắc cần khắc phục và tháo gỡ. Trong đó, nổi lên là việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Chỉ thị số 12 chủ yếu trong cán bộ, đảng viên là chính, chưa lan tỏa đến đông đảo người lao động trong các đơn vị doanh nghiệp, việc lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hoá những nội dung cụ thể thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU trong các cấp ủy, chi bộ cơ sở ở các cơ quan doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, các tổ chức, bộ phận trực tiếp giải quyết quyền lợi cho công nhân, người lao động tại một số nơi còn chậm, công tác kiểm tra, giám sát, kết quả chưa cao. Các phong trào thi đua nhân rộng mô hình, điển hình trong thực hiện tốt chính sách BHXH, BH thất nghiệp của các đơn vị tiêu biểu chưa được phổ biến, nhân rộng.

Hiện nay, trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 249 dự án của 203 doanh nghiệp đầu tư, với khoảng 65.000 lao động. Tính đến ngày 31/5/2023, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi là 59.824 người. Con số này so với năm 2021 đã giảm 700 người. Tuy nhiên,  trong số lao động trên địa bàn có tham gia BHXH chiếm tỷ lệ còn thấp.

Tại địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi vẫn còn một số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài. Đến thời điểm 31/5/2023, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (bao gồm tiền lãi) trên 195 tỷ đồng; tình trạng lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần vẫn còn ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.

Đối với các cấp ủy địa phương, việc phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền còn mang tính hành chính hoá, chưa sâu rộng đến người dân. Công tác tham mưu, phối hợp trong kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU còn chưa đồng bộ.

Đối với các tổ chức đoàn thể, việc chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU trong đoàn viên, hội viên còn chưa sâu rộng. Công tác phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, xử lý những doanh nghiệp còn nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả còn thấp.

          - Việc chỉ đạo tuyên truyền, tư vấn cho một bộ phận người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn khó khăn, bất cập.

Từ nguyên nhân của những hạn chế, chúng ta nhận thấy, một số nguyên nhân khách quan do năm 2021 và 2022, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài phần nào làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU  tại địa bàn cơ sở; kinh tế thế giới suy thoái, xung đột quân sự ở các quốc gia tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến các doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động đã ảnh hưởng nhiều đến công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT làm cho số người rút BHXH một lần có xu hướng tăng. Các doanh nghiệp trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi do nhiều sở, ngành liên quan cùng chức năng quản lý nhà nước nên có lúc việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trên địa bàn tỉnh, còn một số doanh nghịêp chưa hoặc không có tổ chức Công đoàn, nên việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động đối với tổ chức Công Đoàn tỉnh và các cấp không triển khai thực hiện được.

Nguyên nhân chủ quan vẫn là do nhận thức của một số người sử dụng lao động và người lao động về vai trò, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội chưa đầy đủ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT chưa được thường xuyên, kịp thời.

Công tác đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn cho một bộ phận người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa được thường xuyên, sâu rộng, lực lượng tham gia tư vấn còn mỏng, nên gặp khó khăn, bất cập.

  Chính sách của Bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện tại chỉ có hai chế độ chủ yếu là chính sách dài hạn (hưu trí, tử tuất), không có các chế độ ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động) nên chưa đủ sức thu hút người dân nói chung và một bộ phận người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp tham gia.

Việc xác định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động rất phức tạp, hơn nữa, một số người lao động ngại việc khởi kiện ra toà án dẫn đến việc củng cố hồ sơ khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động gặp nhiều khó khăn.

Hy vọng, những khó khăn, vướng mắc, hạn chế và nguyên nhân được nhận định sau khi giám sát sẽ có những giải pháp tháo gỡ trong thời gian đến.

Trịnh Công Nhận