Hoàn thiện chính sách, pháp luật: Tiền đề thực hiện BHXH toàn dân
04/06/2020 01:46 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm đầu tiên thực hiện Tháng Vận động triển khai BHXH toàn dân, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có những đánh giá kết quả sau hơn 04 năm thực hiện Luật BHXH, những vấn đề đặt ra với xây dựng chính sách, pháp luật cũng như công tác tổ chức thực hiện để tiếp tục tạo nền tảng thực hiện BHXH toàn dân.
Từ góc nhìn cơ quan giám sát, đại biểu Quốc hội chuyên trách theo dõi lĩnh vực BHXH, theo ông, chúng ta đã đạt được những dấu ấn gì sau 04 năm thực hiện Luật BHXH? Ông bình luận như thế nào về những kết quả này?
TS. Bùi Sỹ Lợi: Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, Luật BHXH 2014 được xây dựng với định hướng mở rộng diện bao phủ BHXH; thể hiện rõ nhất qua các quy định như: thực hiện BHXH bắt buộc với lao động hợp đồng 01-03 tháng; bỏ quy định tuổi trần và hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện;… Những quy định trên dần đi vào thực tiễn, tác động đến công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH. Tính đến hết năm 2019, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chiếm tỷ lệ 32,2% (15.773.928 người) lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ này ở BHTN là 27,4% (13.429.401 người). Số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2019 là 573.943 người, tăng hơn 02 lần so với năm 2018 và đạt tỷ lệ 1,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt kế hoạch đề ra trong Nghị quyết số 28. Đánh giá chung, có thể thấy số người tham gia BHXH năm sau luôn tăng cao hơn so với năm trước; năm 2019 tăng gần 1.042 nghìn người so với năm 2018; trong khi số tăng của năm 2018 so với năm 2017 là gần 912 nghìn người. Tương ứng với số phát triển đối tượng, số thu BHXH, BHTN liên tục tăng, năm 2019 là 262.765.794 triệu đồng, tăng 10,1% so với năm 2018. Quy định giao cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH dần phát huy hiệu quả. Số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra của Ngành BHXH tăng nhiều so với năm trước và đạt được một số kết quả khả quan như phát hiện 83.099 lao động thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa tham gia, đóng thiếu thời gian tham gia hay đóng không đúng mức quy định với số tiền phải truy đóng là 370,7 tỷ đồng. Bình quân số tiền phải truy đóng/người được phát hiện năm 2019 là 4,46 triệu đồng/người, cao hơn so với mức 2,01 triệu đồng/người của năm 2018. Trong năm 2019, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thu hồi nợ, giảm 287 tỷ đồng số nợ của nhóm khó thu (nợ từ 05 năm trở lên). Số nợ BHTN năm 2019 cũng giảm 105 tỷ đồng, chỉ còn bằng 64,3% so với số nợ BHTN năm 2018. Dấu ấn đáng kể cần được nhấn mạnh là công tác ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa bộ máy tổ chức thực hiện của cơ quan BHXH. Giao dịch điện tử gần như được thực hiện hầu khắp các hoạt động nghiệp vụ BHXH, BHYT, được người dân đón nhận; đến nay đã có hơn 445 nghìn đơn vị đăng ký tham gia giao dịch điện tử với cơ quan BHXH; năm 2019 có hơn 62 triệu hồ sơ giao dịch điện tử. Việc chia sẻ thông tin, kết nối dữ liệu giữa cơ quan BHXH và các cơ quan khác cũng được đẩy mạnh.Một số hoạt động ứng dụng CNTT tiếp tục được thí điểm tại một số tỉnh như việc cấp mã số an sinh xã hội, thẻ an sinh xã hội điện tử và chi trả không dùng tiền mặt. Tới năm 2019, Ngành BHXH giảm thêm 01 thủ tục hành chính sau quá trình giảm tổng thể thủ tục hành chính hết sức mạnh mẽ trước đó, hiện nay còn 22 thủ tục BHXH, trong đó 50% thủ tục đạt mức độ 4, 23% mức độ 3 và 27% mức độ 2. Bên cạnh đó, tổng số dư nợ đầu tư quỹ BHXH, BHTN, BHYT lũy kế đến cuối năm 2019 tăng 11,75% so với cùng kỳ năm 2018. Các hình thức đầu tư chủ yếu là mua trái phiếu Chính phủ (chiếm 86,5% tổng số dư đầu tư quỹ), gửi tiền, mua trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng, hoạt động lành mạnh (chiếm 13,5%). Số tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư quỹ năm 2019 vượt 10% so với kế hoạch; tỷ lệ tiền lãi thu được tính trên số dư nợ đầu tư bình quân đạt 5,8%/năm. Chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN năm 2019 được bố trí, thực hiện theo quy định; trong đó, chi hoạt động BHXH, BHTN thấp hơn 0,1%; chi hoạt động BHYT thấp hơn 0,2%. Đó là những nền tảng quan trọng để đảm bảo quyền lợi BHXH cho người lao động. Riêng trong năm 2019, tổng chi trả các chế độ BHXH ước thực hiện là 218.308 tỷ đồng; trong đó, chi từ nguồn Quỹ BHXH chiếm 78,77%; so với năm 2018, tổng số người hưởng chế độ hưu trí - tử tuất tăng 11%; tổng số người hưởng TNLĐ - BNN tăng 5,74%; tổng số người hưởng ốm đau - thai sản tăng 10,93% (1.132.619 người). Tốc độ tăng số người hưởng chế độ BHXH một lần có xu hướng chậm lại (tỷ lệ này của năm 2018 là 14,31%; năm 2017 là 19,33%).
Nhìn lại những kết quả trên, đâu là những bài học kinh nghiệm chúng ta cần rút ra và nhân rộng trong thời gian tới, thưa ông? TS. Bùi Sỹ Lợi: Luật BHXH 2014 có nhiều nội dung mới, vì vậy quá trình tổ chức thực hiện rất gian nan, phải theo lộ trình từng năm. Nhìn lại những kết quả đạt được, có thể thấy được nỗ lực rất lớn từ phía Ngành BHXH. Điều này được thể hiện trực tiếp qua kết quả phát triển đối tượng và đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đem lại sự hài lòng của người dân. Đơn cử như: thực hiện quy định bàn giao sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH 2014, Ngành BHXH phải tiến hành rà soát lại toàn bộ dữ liệu tham gia BHXH của khoảng 14 triệu người đang tham gia, đồng bộ với dữ liệu 24 triệu hộ gia đình, khoảng 85 triệu người đang tham gia BHYT, từ đó cấp mã số BHXH duy nhất. Khối lượng công việc rất lớn, kết quả đạt được không chỉ là hoàn thành việc bàn giao sổ BHXH, quan trọng hơn là xây dựng kho dữ liệu an sinh của gần như toàn bộ dân số, là nền tảng quan trọng thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ của Ngành BHXH (thu, cấp sổ, thẻ, giải quyết chế độ) và phục vụ công tác quản lý, xây dựng chính sách... Bên cạnh đó, sự phối hợp của các Bộ, ngành và nhất là sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển BHXH. Đây là kết quả từ quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Cải cách chính sách BHXH. Hiệu quả được thấy rõ qua việc cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, xác định mục tiêu phát triển số người tham gia BHXH qua từng năm, từng giai đoạn, chỉ đạo sát sao công tác truyền thông, vận động người dân tham gia... Đây là những bài học kinh nghiệm quan trọng trong giai đoạn qua và cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới, nhất là quá trình tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW với những mục tiêu phát triển cụ thể đến năm 2025, 2030. Bên cạnh những kết quả đạt được, xin ông cho biết, quá trình thực hiện Luật BHXH còn những hạn chế nào, cần khắc phục ra sao? TS. Bùi Sỹ Lợi: Trước hết, có thể thấy rằng, quá trình triển khai Luật BHXH đến nay còn một số nội dung chưa được thực hiện triệt để. Chẳng hạn như, chưa thể thực hiện việc xử lý nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ sử dụng lao động bỏ trốn. Hay như chính sách về việc tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện (điểm c khoản 3 Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động) vẫn tiếp tục trong quá trình nghiên cứu, sau gần 04 năm chưa ban hành được văn bản hướng dẫn kể từ khi Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực thi hành. Trong công tác tổ chức thực hiện, đạt được nhiều dấu ấn song chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, nhất là trong phát triển mở rộng đối tượng; với BHXH bắt buộc còn tình trạng doanh nghiệp chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ; số tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế, chưa bảo đảm tính bền vững. Xét về giá trị tuyệt đối thì số thu có tăng, tuy nhiên tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc chỉ tăng 5,2%, tương đương với mức điều chỉnh lương cơ sở, lương tối thiểu vùng so với năm 2018; mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHTN chỉ tăng 4,62%; mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là 1.689.740 đồng, bằng 95% so với năm 2018. Nợ đọng BHXH, BHYT với các nhóm doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn nước ngoài lại có xu hướng tăng lên... Đây là những hạn chế cần khẩn trương khắc phục, cả từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tổ chức thực hiện; cụ thể: Chính phủ khẩn trương ban hành quy định về xử lý tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT tồn đọng kéo dài (không còn khả năng trả nợ) của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, đang trong quá trình giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN đối với người lao động. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ mức hỗ trợ người lao động phù hợp hơn để thúc đẩy việc tham gia BHXH tự nguyện, đẩy mạnh mục tiêu phát triển BHXH. Tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi giữa các bộ, ngành trong xây dựng chính sách, trong công tác quản lý, điều hành và đặc biệt thống nhất số liệu, phương thức báo cáo phục vụ quá trình giám sát, xây dựng chính sách. BHXH Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa, nâng cao hiệu quả công tác thu, phát triển đối tượng, thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, lạm dụng, trục lợi trước khi thực hiện thanh toán chế độ. Chủ động phối hợp, báo cáo các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương về tình hình nợ quá hạn BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, đang trong quá trình giải thể, phá sản hoặc người sử dụng lao động bỏ trốn không có khả năng thu hồi để có biện pháp xử lý đối với các khoản nợ, đồng thời giải quyết quyền lợi cho người lao động…
Nhìn lại một cách xuyên suốt hơn 04 năm thực hiện Luật BHXH với những kết quả khái quát đã đạt được, để hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, chúng ta cần phải chú trọng thực hiện những công việc gì, thưa ông? TS. Bùi Sỹ Lợi: BHXH toàn dân là một định hướng lớn, để thực hiện được mục tiêu này là cả một quá trình dài, bắt đầu bằng việc kiên trì mục tiêu phát triển, mở rộng diện bao phủ BHXH từ hôm nay, chắt chiu từng đối tượng và “giữ chân” họ tham gia từ 15-20 năm mới thực sự đạt hiệu quả. Những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua rất đáng ghi nhận, là nền tảng để hướng tới mở rộng diện bao phủ trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, đích đến BHXH toàn dân còn khá xa, hiện mới chỉ khoảng 32% lực lượng lao động tham gia BHXH. Vì vậy, công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện phải hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cả về số lượng và chất lượng; cụ thể là tăng trưởng về số tham gia và duy trì sự tham gia dài hạn để đủ điều kiện nhận lương hưu, từ đó tiến dần đến mục tiêu cao hơn là có thể sống tốt bằng lương hưu. Các định hướng lớn về xây dựng chính sách, hoàn thiện pháp luật đã được nêu rất cụ thể trong Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Cải cách chính sách BHXH. Dù vậy, quá trình luật hóa cũng cần thận trọng, thực hiện theo lộ trình, nhất là các vấn đề phức tạp, cần nghiên cứu kỹ, đánh giá toàn diện những tác động, đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Tương tự, với công tác tổ chức thực hiện, Nghị quyết 28-NQ/TW đã đưa ra những mục tiêu cụ thể, nhất là về nâng cao tỷ lệ hài lòng của người tham gia, giảm số giờ giao dịch… Cơ quan BHXH cần có các giải pháp tổng thể, bảo đảm thực hiện các mục tiêu này hiệu quả, mục đích cuối cùng là bảo đảm quyền lợi của người dân, nâng cao niềm tin của người dân với chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác truyền thông vì vậy phải được chú trọng nhiều hơn, hiệu quả có thể được đo lường bằng các tiêu chí cụ thể, chẳng hạn tăng số tham gia BHXH tự nguyện, giảm số nhận BHXH một lần… Tựu chung lại, có rất nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu BHXH toàn dân, nhiều vấn đề đặt ra với xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật và công tác tổ chức thực hiện. Cần nhấn mạnh rằng, với cả xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện, công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn có vai trò quan trọng, nhất là với những vấn đề mới đã và đang đặt ra trong công tác cải cách chính sách BHXH. Với bất kỳ chính sách nào cũng vậy, qua quá trình thực hiện luôn phải đặt ra vấn đề sửa đổi các quy định pháp luật để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế.Trong quá trình đó, công tác nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn là cơ sở quan trọng để hoàn thiện Luật. Với tính chất đặc thù, liên quan đến nhiều nhóm đối tượng, ảnh hưởng đến người lao động trong khoảng thời gian dài, công tác nghiên cứu lý luận, thực tiễn về BHXH càng phải được chú trọng nhiều hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
- Theo Tạp chí BHXH
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Hiệu quả hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân tộc ...
Hướng đến sự hài lòng cho người dân và doanh ...
Liên thông thủ tục cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất với Cổng ...
BHXH huyện Đức Phổ tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực ...
BHXH tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện Công Văn số ...
Quảng Ngãi chú trọng phát triển BHYT học sinh, sinh viên
UBND thành phố Quảng Ngãi tổng kết bảo hiểm y tế học sinh, ...