Chính sách BHYT ngày càng hoàn thiện, “chỗ dựa” tin cậy, vững chắc của người dân

01/07/2024 10:53 AM


Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác thực hiện chính sách, pháp luật BHYT ở nước ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT phát triển bền vững, năm sau cao hơn năm trước, luôn hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao. Quỹ BHYT được quản lý, sử dụng hiệu quả; chất lượng dịch vụ về khám chữa bệnh (KCB) BHYT không ngừng được cải thiện, quyền lợi cho người tham gia BHYT được đảm bảo theo quy định.

Nhân dịp 15 năm “Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam” (01/7/2009 - 01/7/2024), Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh có những chia sẻ về công tác thực hiện chính sách BHYT của Ngành BHXH Việt Nam thời gian qua.

PV: Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT, thưa Tổng Giám đốc?

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Về hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam, trước hết cần nói khái quát về quá trình hình thành và phát triển của chính sách BHYT.

Những năm 80, ở nước ta, tình hình chăm sóc y tế cho nhân dân nói chung và người lao động nói riêng tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) lâm vào tình trạng thiếu kinh phí hoạt động. Trong hoàn cảnh đó, một số địa phương đã mạnh dạn tháo gỡ khó khăn trong công tác KCB bằng cách vận động, quyên góp trong nhân dân dưới nhiều hình thức khác nhau như: Quỹ Bảo hiểm sức khỏe ở Hải phòng, Quỹ KCB nhân đạo ở Vĩnh Phú, Quỹ BHYT tự nguyện ở Bến Tre, Quảng Trị hay Quỹ Khám chữa bệnh ngành đường sắt…

Đầu năm 1990, sau khi thực hiện một số mô hình thí điểm, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã trình Dự thảo Pháp lệnh BHYT lên Hội đồng Nhà nước. Sau khi cân nhắc thực tế điều kiện kinh tế - xã hội, Hội đồng Nhà nước đã quyết định giao Hội đồng Bộ trưởng thí điểm BHYT trên diện rộng. Từ cơ sở đó năm 1992, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 299-HĐBT ngày 15/8/1992 về việc ban hành điều lệ BHYT, khai sinh ra chính sách BHYT ở Việt Nam.

Sau 2 năm thực hiện Nghị định, hệ thống tổ chức BHYT từ Trung ương đến địa phương đã hình thành với sự quản lý của BHYT Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế. Năm 2002, Chính phủ ban hành Quyết định 20/2002/QĐ-TTg chuyển BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Kể từ đây 2 chính sách An sinh xã hội quan trọng là BHXH, BHYT thống nhất thực hiện từ Trung ương xuống địa phương, theo mô hình một quỹ quốc gia.

Đặc biệt, ngày 14/11/2008, Quốc hội thông qua Luật BHYT, có hiệu lực từ ngày 01/7/2009. Luật BHYT ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, hướng tới thực hiện BHYT toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Trên cơ sở đó, ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg lấy ngày 01 tháng 7 hàng năm là Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam. Sự kiện này thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, tạo điều kiện để tất cả người dân được chăm sóc sức khỏe thông qua chính sách BHYT.

Ngày BHYT Việt Nam hằng năm là dịp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân

Ngày BHYT Việt Nam hằng năm là dịp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, vì an sinh đất nước. Mỗi năm đến Ngày BHYT Việt Nam, là một lần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT - chế độ bảo hiểm của Đảng và Nhà nước nhằm chăm sóc sức khỏe Nhân dân, được Nhà nước bảo hộ, do cơ quan BHXH tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận.

Tham gia BHYT mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi không may đau ốm đau, bệnh tật. Người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán số tiền KCB không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm. Qua đó, BHYT đã giúp nhiều người có thẻ BHYT vượt qua những khó khăn về kinh tế. BHYT còn mang ý nghĩa nhân đạo cộng đồng sâu sắc vì khi mọi người cùng nhau tham gia BHYT, người khỏe sẽ hỗ trợ cho người bệnh. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

PV: Có thể thấy, vai trò, lợi ích, ý nghĩa của chính sách BHYT là rất lớn. Là cơ quan được Chính phủ giao tổ chức thực hiện chính sách này, xin Tổng Giám đốc cho biết về những kết quả nổi bật của Ngành đã đạt được 15 năm qua từ khi có Ngày BHYT Việt Nam và những lợi ích đem lại cho người tham gia?

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Năm 2009 là một năm có nhiều dấu mốc quan trọng trong thực hiện chính sách BHYT ở nước ta với Luật BHYT có hiệu lực thi hành; Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới và sự ra đời Ngày BHYT Việt Nam. Từ đó, sau 15 năm, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chính sách BHYT từ Trung ương đến địa phương. Đến nay, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT, trong đó đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.

Là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, toàn ngành BHXH Việt Nam đã bám sát thực tiễn, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động phối với các Bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời đưa ra những giải pháp đồng bộ, đúng hướng, quyết liệt.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm hỏi, động viên người bệnh có BHYT đang điều trị tại cơ sở y tế

Trong công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật: Trên cơ sở nắm bắt rõ những vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam thường xuyên chủ động đánh giá tình hình thực hiện chính sách; đánh giá tác động của các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi để kịp thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHYT phù hợp.

Về diện bao phủ BHYT: Tăng nhanh và phát triển bền vững. Cụ thể, năm 2008 trước khi có Ngày BHYT Việt Nam, toàn quốc mới có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số. Đến năm 2009, năm đầu tiên triển khai Ngày BHYT Việt Nam, toàn quốc đã có trên 50 triệu người tham gia BHYT (tăng trên 10 triệu người so với năm 2008), tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 58,2% dân số. Và đến hết năm 2023, toàn quốc đã có trên 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số. Kết quả đó, có sự đóng góp quan trọng của công tác truyền thông của Ngành, ngày càng sâu rộng, dễ hiểu, dễ nhớ, giúp người dân hiểu rõ lợi ích của chính sách BHYT từ đó chủ động, tích cực tham gia.

Về công tác KCB BHYT: Số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng nhanh qua từng năm, trong 15 năm đã có trên 2.120 triệu lượt người KCB BHYT, với tổng số tiền trên 993 nghìn tỷ đồng. Năm 2009, toàn quốc có 88,6 triệu lượt KCB BHYT với tổng chi KCB BHYT là 15.396 tỷ đồng, đến năm 2015 cả nước có 130,1 triệu lượt KCB BHYT (tăng 48% so với năm 2009) với tổng chi KCB BHYT là  47.855 tỷ đồng (tăng 211% so với năm 2009), năm 2020 có 167,3 triệu lượt KCB BHYT (tăng 28,6% so với năm 2015) với tổng chi KCB BHYT là 101.740 tỷ đồng (tăng 122,6% so với năm 2015) và đến hết năm 2023, toàn quốc có 174 triệu lượt KCB BHYT (tăng 4% so với năm 2020) với tổng chi KCB BHYT là khoảng 121.799 tỷ đồng (tăng 19,7% so với năm 2020). Hệ thống KCB BHYT được tổ chức tốt từ trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở KCB công lập và tư nhân đã tạo thuận lợi giúp người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ KCB BHYT.

Về công tác giám định, thanh tra, kiểm tra: Có những thay đổi tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý sử dụng quỹ BHYT. BHXH Việt Nam đã tăng cường chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở, ban, ngành tại địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT và đảm bảo tốt quyền lợi của người tham gia BHYT. Qua đó, đã phát hiện nhanh chóng, kịp thời các trường hợp có dấu hiệu lạm dụng hoặc sử dụng quỹ BHYT không hợp lý, góp phần giảm chi quỹ BHYT hàng nghìn tỷ đồng.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số: Toàn Ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cắt giảm từ 115 thủ tục (năm 2015) xuống còn 25 thủ tục; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phối hợp KCB BHYT. BHXH Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai sử dụng đa nền tảng khi đi KCB BHYT bằng Căn cước công dân (CCCD), ứng dụng VssID - BHXH số và ứng dụng định danh điện tử VneID. Đến nay, 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD. Với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD, người bệnh BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục KCB, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đang thí điểm xác thực thông tin sinh trắc trên CCCD gắn chip trong KCB BHYT. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác KCB BHYT, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia.

BHXH Việt Nam luôn chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi người tham gia

PV: Theo Tổng Giám đốc, để việc triển khai thực hiện chính sách BHYT được bền vững, hiệu quả thì yếu tố nào là quan trọng nhất?

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: BHYT là một quỹ ngắn hạn, huy động đóng góp của người dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước tạo nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khỏe. Việc quản lý, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn quỹ này đóng vai trò quan trọng trong sự bền vững của chính sách. Điều này cần được đặc biệt quan tâm hơn khi quyền lợi, chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được mở rộng, nâng cao. Vì vậy, năm 2024, chủ đề truyền thông Ngày BHYT Việt Nam là “Sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi người bệnh và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở”.

Thời gian qua, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện đúng các quy định của Luật BHYT, Nghị định của Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính đối với quỹ BHYT. Kinh phí được sử dụng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo tính khách quan; gắn thực hiện nhiệm vụ thu, chi, giải quyết chính sách, quản lý quỹ và phát triển đối tượng tham gia BHYT; đảm bảo phục vụ kịp thời cho người tham gia và thụ hưởng chính sách, phù hợp với đặc thù tổ chức quản lý, hoạt động của Ngành.

Kiểm soát chi phí KCB BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành BHXH Việt Nam có cơ sở pháp lý từ Luật BHYT và Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Việc kiểm soát chi phí KCB BHYT nhằm tối ưu sử dụng quỹ BHYT, phòng tránh, hạn chế tối đa các chi phí bất hợp lý, lãng phí, từ đó có nguồn lực dành cho những nhiệm vụ thiết thực, phục vụ người bệnh, nhất là người bệnh nặng và mãn tính. Tinh thần này được lãnh đạo BHXH Việt Nam thống nhất, quán triệt thường xuyên. BHXH các địa phương cũng thường xuyên làm việc, giao ban, trao đổi để truyền tải đến đội ngũ lãnh đạo, các y, bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh. Qua đó, tất cả cùng chung tay vì mục tiêu chung là đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT và tối ưu sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, đúng quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!

Phạm Chính-BHXH VN