Từ 1/7/2025: Đơn vị vi phạm trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

01/07/2025 03:31 PM


Từ ngày 1/7/2025, Luật BHXH năm 2024 và Luật Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT năm 2024 chính thức có hiệu lực, lần đầu tiên quy định rõ ràng và toàn diện về hành vi trốn đóng BHXH, BHTN và BHYT. Đặc biệt, các hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ về mặt thể chế, nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động và nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật trong lĩnh vực an sinh xã hội.

Đoàn Kiểm tra BHXH khu vực XXI kiểm tra tại một cơ sở KCB BHYT tỉnh Quảng Ngãi

Không còn “vùng xám” giữa chậm đóng và trốn đóng

Một trong những điểm đột phá quan trọng của Luật BHXH năm 2024, Luật Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT năm 2024 là lần đầu tiên phân biệt rõ hành vi “chậm đóng” với hành vi “trốn đóng”, hai dạng vi phạm về đóng BHXH, BHTN và BHYT xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương trong đó tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nhưng lâu nay còn lẫn lộn trong áp dụng chế tài. Theo đó, các điều luật mới quy định:

Chậm đóng BHXH, BHTN và BHYT là hành vi chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng theo đăng ký sau thời điểm quy định; không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định.

Trốn đóng, nghiêm trọng hơn, là việc không lập hoặc lập không đầy đủ danh sách người lao động (NLĐ) thuộc diện tham gia BHXH, BHTN và BHYT sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định mà người SDLĐ không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia; đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng thấp hơn quy định; không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký sau 60 ngày kể từ ngày đóng chậm nhất theo quy định, mặc dù đã được cơ quan BHXH đôn đốc.

Điểm mới này khắc phục tình trạng né tránh, chây ì đóng BHXH, BHTN và BHYT dưới hình thức kéo dài thời gian “chậm đóng” để lách luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ.

Hậu quả không dừng ở xử phạt vi phạm hành chính

Các điều luật mới cũng quy định chế tài chặt chẽ, không chỉ dừng ở việc buộc nộp đủ số tiền trốn đóng và nộp số tiền lãi 0,03%/ngày tính trên khoản tiền trốn đóng, mà còn không xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Biện pháp xử lý đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHTN (Điều 41 Luật BHXH 2024) và biện pháp xử lý vi trốn đóng BHYT (khoản 34 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 49 Luật BHYT) quy định người sử dụng lao động (SDLĐ) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nếu NLĐ vì chưa được cấp thẻ BHYT mà phải tự chi trả chi phí khám, chữa bệnh, thì đơn vị SDLĐ còn phải bồi hoàn toàn bộ chi phí điều trị.

Phó Giám đốc BHXH khu vực XXI Nguyễn Tấn Sang phát biểu tại một buổi họp kết luận kiểm tra tại cơ sở KCB BHYT tỉnh Quảng Ngãi

Kiên quyết trong thanh tra, kiểm tra xử lý nợ đọng

Ông Phan Minh Quang - Phó Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra thuộc BHXH khu vực XXI (Kon Tum - Quảng Ngãi) cho biết: “Từ đầu năm 2024 đến tháng 6/2025, trước và 01 tháng sau hợp nhất BHXH 2 tỉnh đã thanh tra, kiểm tra 336 đơn vị, yêu cầu truy thu đóng thiếu cho 37 NLĐ với số tiền BHXH là 241,865 triệu đồng và truy thu đóng thiếu BHYT với số tiền 39,578 triệu đồng.

Đã thu hồi hơn 14,274 tỷ đồng trên tổng số 21,879 tỷ đồng nợ BHXH, BHTN, BHYT; yêu cầu thu hồi 2,199 triệu đồng chi sai từ quỹ BHXH, BHTN; 323,996 triệu đồng từ quỹ BHYT chi sai trong thanh toán khám, chữa bệnh và thu hồi số tiền hưởng chế độ tử tuất sai quy định đối với 01 trường hợp là 1,8 triệu đồng”.

Thực tế thanh tra, kiểm tra, truy thu cho thấy BHXH khu vực XXI  không chỉ phát hiện kịp thời sai phạm mà còn kiên quyết ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi chính sách, qua đó tích cực góp phần đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Góp phần bảo vệ NLĐ, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh

Hành vi trốn đóng BHXH, BHTN và BHYT chẳng những vi phạm pháp luật mà còn trực tiếp tước đoạt quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ: không được cấp sổ BHXH, không được hưởng chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, không có thẻ BHYT khi bệnh tật và mất an toàn khi hết tuổi lao động.

Về lâu dài, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì tình trạng này dễ dẫn đến hệ lụy cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, những đơn vị tuân thủ pháp luật lại phải gánh thêm chi phí, trong khi các doanh nghiệp vi phạm thì lại được lợi bất chính.

Luật BHXH mới và Luật Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT mới ra đời không chỉ tăng tính răn đe mà còn tạo ra cơ chế minh bạch, công bằng giữa các bên trong quan hệ lao động.

Để việc thực thi Luật mới được nghiêm túc, BHXH khu vực XXI đã tổ chức quán triệt nội dung luật mới đến toàn thể viên chức, đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, các cơ quan truyền thông địa phương tuyên truyền sâu rộng để doanh nghiệp và NLĐ hiểu rõ, thực hiện đúng quy định của pháp luật về BHXH, BHYT.

Phát biểu tại một hội nghị truyền thông phổ biến các nội dung cơ bản của 2 luật mới này, ông Nguyễn Tấn Sang - Phó Giám đốc BHXH khu vực XXI, nhấn mạnh:

Với việc lần đầu tiên luật quy định rõ trốn đóng BHXH, BHTN và BHYT là hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Luật BHXH năm 2024 và Luật Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT năm 2024 là thông điệp rõ ràng tới toàn thể cộng đồng doanh nghiệp: Không thể đánh đổi chi phí vận hành bằng sự an toàn pháp lý và đạo đức kinh doanh.

Cơ hội kinh doanh bền vững không chỉ đến từ sản phẩm hay chiến lược, mà còn từ việc doanh nghiệp tôn trọng luật pháp, chăm lo an sinh cho NLĐ, gắn kết hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và NLĐ./.

Hai Đổng

  • TIN BÀI LIÊN QUAN