Ðể bảo hiểm xã hội thật sự trở thành một trụ cột của hệ thống an sinh
01/03/2021 02:24 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2021, năm cần thực hiện mục tiêu đầu tiên của Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong đó, cả nước cần phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động; khoảng 28% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam NGUYỄN THẾ MẠNH (trong ảnh) có những chia sẻ với Báo Nhân Dân về những giải pháp của toàn ngành, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Phóng viên (PV): Ðồng chí có thể khái quát những kết quả, thành tựu ngành BHXH Việt Nam đạt được trong năm 2020 - một năm nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Ðại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến kinh tế - xã hội tất cả các quốc gia và hiện vẫn còn diễn biến phức tạp. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Là cơ quan chính phủ chuyên trách thực hiện các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) - hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) - BHXH Việt Nam đã chủ động bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch. Ðặc biệt, BHXH Việt Nam triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, như: cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (gửi hồ sơ, nhận và trả kết quả trực tuyến) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của Chính phủ; chi trả lương hưu, chế độ BHXH qua tài khoản ATM và hệ thống ngân hàng; giãn, hoãn đóng của doanh nghiệp vào quỹ hưu trí, tử tuất theo chỉ đạo của Chính phủ; bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT. Tháng 11-2020, BHXH Việt Nam công bố ứng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số" trên điện thoại thông minh, với nhiều tiện ích giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tiếp xúc trực tiếp trong tham gia, tra cứu, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với những giải pháp truyền thông, vận động sáng tạo, phù hợp cho nên mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT vẫn đạt được kết quả tích cực. Hết năm 2020, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng gần gấp đôi so năm 2019, tăng 1,2% so chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28 và tăng gấp năm lần so năm 2015. Duy trì và tăng trưởng đối tượng tham gia BHYT theo lộ trình BHYT toàn dân với hơn 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu bao phủ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ; đặc biệt, so với mục tiêu của Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng và Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%;…
Trong bối cảnh dịch COVID-19, chính sách BH thất nghiệp đã giúp hàng trăm nghìn người lao động có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này. Năm 2020, đã giải quyết chế độ BH thất nghiệp cho hơn một triệu người với số tiền chi trả hơn 16 nghìn tỷ đồng, tăng 32,7% so cùng kỳ 2019…
PV: Ðại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, theo đồng chí, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào việc thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết số 28 trong năm 2021?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT là đang hiện hữu với nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội khi nhiều doanh nghiệp phá sản, thu hẹp sản xuất, thu nhập của người dân, người lao động giảm. Tuy nhiên, những khó khăn trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH còn ở nhiều khía cạnh khác nữa.
Ðiều này đã được đề cập, phân tích, làm rõ trong Nghị quyết số 28. Nghị quyết nhận định, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm; số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Chính sách BH thất nghiệp chưa thật sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức.
Trong quá trình tổ chức, thực hiện, BHXH Việt Nam cũng có những tổng kết, nhận diện về một số tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này đó là: Hiện nay, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc nhưng chưa được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Chính sách BHXH hiện hành còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia như: chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt...; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn được người tham gia. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương; tính tuân thủ luật pháp ở một số đơn vị, doanh nghiệp chưa thật sự cao, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, đóng không đủ số lượng và mức đóng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn phổ biến.
Số người tham gia BHXH mới đạt hơn 16 triệu người (chiếm khoảng 32,6% lực lượng trong độ tuổi). Như vậy, còn hơn 30 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 67,4% lực lượng lao động chưa tham gia BHXH. Nếu không có sự chuyển đổi, trong thời gian tới, số lượng người già, người khi hết tuổi lao động không được hưởng BHXH là rất lớn, tạo áp lực, gánh nặng cho gia đình, xã hội, tác động tiêu cực đến chính sách ASXH. Số người tham gia BHXH tự nguyện mặc dù có sự gia tăng đột biến những năm qua, hoàn thành trước chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 28 nhưng vẫn còn thấp so với tiềm năng; số người nhận BHXH một lần vẫn gia tăng hằng năm dẫn tới mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, bảo đảm ASXH cho mọi người lao động bị ảnh hưởng.
Những thách thức nêu trên đòi hỏi thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để BHXH thật sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống ASXH. Từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo lộ trình phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
PV: Ðể đạt được những mục tiêu đề ra, ngành BHXH Việt Nam sẽ có những giải pháp cần thực hiện trong năm 2021 và thời gian tới?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Những tồn tại, thách thức đang đặt ra cho thấy, để đạt được những mục tiêu của Nghị quyết số 28 thì sự tham gia vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp và mỗi người dân đối với công tác BHXH là rất cần thiết và có tính tiên quyết.
Vì vậy, năm 2021, BHXH Việt Nam xác định, tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu với Chính phủ, Quốc hội trong xây dựng, hiện thực hóa các định hướng của Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; điều chỉnh điều kiện thời gian tham gia BHXH linh hoạt hơn, lương hưu được tính dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, chia sẻ và bền vững. Tăng cường liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, chú trọng yếu tố thị trường trong chính sách BH thất nghiệp; thiết kế nhiều gói BHXH tự nguyện để người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn phù hợp để tham gia và chuyển sang bảo hiểm bắt buộc khi có đủ điều kiện. Phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH; phát triển ngành BHXH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội.
Ngành BHXH Việt Nam tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền BHXH cả về nội dung và hình thức, theo hướng chuyên nghiệp đúng trọng tâm, trọng điểm; phù hợp từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia BHXH tự nguyện và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ðẩy mạnh việc phát triển người tham gia BHXH, nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Ðồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý nghiệp vụ ngành BHXH; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thường xuyên nâng cấp hệ thống các phần mềm nghiệp vụ, cơ sở dữ liệu tập trung; thực hiện liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; nghiên cứu, thực hiện việc thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT bằng thẻ BHXH điện tử. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, đặc biệt công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT…
Mục tiêu cụ thể, năm 2021, BHXH Việt Nam phấn đấu phát triển đạt khoảng 35,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 28,5% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của đồng chí!
Theo NDĐT
Hiệu quả hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân tộc ...
Hướng đến sự hài lòng cho người dân và doanh ...
Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo ...
Liên thông thủ tục cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất với Cổng ...
BHXH huyện Đức Phổ tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực ...
BHXH tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện Công Văn số ...
Quảng Ngãi chú trọng phát triển BHYT học sinh, sinh viên
UBND thành phố Quảng Ngãi tổng kết bảo hiểm y tế học sinh, ...